Loading


Công văn 639/ĐCKS-KS năm 2018 về giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành

Số hiệu 639/ĐCKS-KS
Ngày ban hành 14/03/2018
Ngày có hiệu lực 14/03/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam
Người ký Lại Hồng Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC ĐỊA CHẤT VÀ
KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 639/ĐCKS-KS
V/v giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2018

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Tổng cục Hải quan có Công văn số 594/TCHQ-GSQL ngày 30 tháng 01 năm 2018 về việc giấy phép khai thác đá vôi, đôlômit để nung vôi được phép xuất khẩu. Về vấn đề này, sau khi xem xét các tài liệu liên quan, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có ý kiến như sau:

1. Khoáng sản đá vôi, đôlômit khai thác để sản xuất vôi công nghiệp là loại đá carbonat có chất lượng tốt nhằm tạo ra sản phẩm vôi nung phục vụ nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu cung cấp cho các ngành công nghiệp như: xây dựng, thực phẩm, giấy, luyện kim, môi trường,... không thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật khoáng sản. Việc thăm dò, khai thác đá vôi, đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp phải thực hiện theo quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản cấp phép, bao gồm:

- Giấy phép thăm dò, khai thác đá vôi, đôlômit do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để sản xuất vôi công nghiệp;

- Giấy phép thăm dò, khai thác đá vôi, đôlômit do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp tại các khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (đối với trường hợp này, hiện nay, trên cả nước có 03 khu vực đá vôi ở tỉnh Hòa Bình và Kiên Giang được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ).

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều mỏ đá vôi, đôlômit làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (thuộc loại khoáng sản quy định tại các điểm g và h khoản 1, Điều 64 Luật khoáng sản) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác làm VLXD thông thường nhưng trong quá trình khai thác phát hiện đá vôi, đôlômit có chất lượng tốt đã đầu tư sản xuất vôi nung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc khai thác, thu hồi đá vôi, đôlômit để nung vôi công nghiệp trong các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định của Luật khoáng sản.

Để quản lý các hoạt động này, trong số hàng nghìn mỏ đá vôi, đôlômit làm VLXD thông thường trên cả nước chỉ có số ít (32 mỏ) được đưa vào (danh sách Phần 3 Phụ lục 3) Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Bộ Xây dựng phê duyệt (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2015.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về quy định giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp khi thực hiện Thông tư số 09/2017/TT-BXD ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu vôi, đôlômit nung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 5815/BTNMT-ĐCKS ngày 27 tháng 10 năm 2017 phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý đối với các hoạt động khai thác đá vôi, đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; theo đó, đã hướng dẫn đối với trường hợp tại các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, khi thu hồi đá vôi, đôlômit để nung vôi công nghiệp cần phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường). Việc có văn bản cho phép khai thác, thu hồi đá vôi, đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp trong các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường không làm tăng thủ tục hành chính mà chỉ nhằm mục đích bảo đảm quy định của pháp luật về khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đã được phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ Xây dựng (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ).

2. Về một số nội dung phản ánh có cách hiểu khác nhau đối với việc cấp phép khai thác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có ý kiến như sau:

- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật khoáng sản không phải khoanh định khu vực phân tán, nhỏ lẻ trước khi cấp giấy phép thăm dò, khai thác.

- Đối với các khoáng sản khác (trong đó có đá vôi, đôlômit sản xuất vôi công nghiệp), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

- Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ áp dụng trong trường hợp khai thác, thu hồi đá vôi, đôlômit để sản xuất vôi công nghiệp tại các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27 tháng 4 năm 2015.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung liên quan, rất mong được sự phối hợp của Tổng cục Hải quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;.
- Thứ trưởng Trần Quý Kiên (để báo cáo);
- TCT Đỗ Cảnh Dương (để báo cáo);
- Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, KS (Ngh.06).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lại Hồng Thanh

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ