Loading


Công văn 8270/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư 08/2012/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 8270/BGDĐT-NGCBQLGD
Ngày ban hành 04/12/2012
Ngày có hiệu lực 04/12/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8270/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v hướng dẫn đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư số 08/2012/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi:

- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố;
- Các trường Trung cấp chuyên nghiệp;
- Các trường Đại học có đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp;
- Các trường Cao đẳng có đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp.

 

Ngày 05/3/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2012/TT-BGDĐT Quy định Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp. Nay Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể một số nội dung trong đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi tắt là Chuẩn) như sau:

1. Mục đích, yêu cầu của việc đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo Chuẩn

a) Mục đích

Xác định mức độ năng lực sư phạm của giáo viên ở thời điểm đánh giá theo các tiêu chí trong Chuẩn, từ đó tiến hành xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên.

Kết quả đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên nhằm giúp:

- Giáo viên xây dựng kế hoạch tự rèn luyện, học tập để đạt các mức độ từ thấp đến cao của Chuẩn;

- Các cấp quản lý giáo dục xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và áp dụng các chính sách đối với đội ngũ giáo viên; xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên.

b) Yêu cầu

- Đảm bảo tính trung thực, khách quan, dân chủ và công bằng; phản ánh đúng năng lực sư phạm của giáo viên;

- Kết quả đánh giá, xếp loại phải dựa trên các minh chứng phù hợp với các tiêu chí của Chuẩn.

2. Quy trình đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo Chuẩn

a) Các bước đánh giá

Bước 1: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại

Đối chiếu với Chuẩn và các mức điểm của tiêu chí (phụ lục 1 kèm theo), mỗi giáo viên tự đánh giá, xếp loại theo Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp theo mẫu phiếu quy định (phụ lục 3 kèm theo).

Ở từng tiêu chuẩn, giáo viên ghi các minh chứng theo số thứ tự nguồn minh chứng của các tiêu chuẩn (phụ lục 2 kèm theo). Căn cứ vào mức độ đạt được của từng tiêu chí, giáo viên ghi tổng số tiêu chí đạt mức tương ứng của Chuẩn, tính tổng số điểm đạt được và tự xếp loại (theo 4 loại: chưa đạt, trung bình, khá, xuất sắc). Cuối cùng, giáo viên tự nhận xét về những điểm mạnh, điểm yếu và nêu hướng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu.

Bước 2: Khoa/tổ bộ môn đánh giá, xếp loại

Căn cứ vào kết quả tự đánh giá, xếp loại của giáo viên theo Chuẩn và nguồn minh chứng do giáo viên cung cấp, khoa/tổ bộ môn dưới sự điều khiển của trưởng khoa/tổ trưởng bộ môn, có sự tham gia của giáo viên được đánh giá, tiến hành kiểm tra các minh chứng và đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của giáo viên theo mẫu phiếu quy định (phụ lục 4 kèm theo).

Dựa vào mức độ đạt được ở từng tiêu chí của giáo viên, khoa/tổ bộ môn ghi tổng số tiêu chí đạt mức tương ứng của Chuẩn, tính tổng số điểm đạt được và xếp loại (theo 4 loại: chưa đạt, trung bình, khá, xuất sắc). Đồng thời khoa/tổ bộ môn phải chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu của giáo viên và gợi ý về hướng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu. Kết quả đánh giá của từng tiêu chí và nội dung góp ý cho giáo viên được ghi theo ý kiến đa số (không tính ý kiến của giáo viên được đánh giá), nếu tỉ lệ ý kiến ngang nhau thì ghi theo quyết định lựa chọn của trưởng khoa/tổ trưởng bộ môn. Trưởng khoa/tổ trưởng bộ môn đọc kết quả đánh giá, xếp loại của giáo viên được đánh giá trước toàn thể giáo viên trong khoa/tổ bộ môn. Nếu kết quả đánh giá, xếp loại của khoa/tổ bộ môn chưa thống nhất với kết quả tự đánh giá, xếp loại của giáo viên và giáo viên có ý kiến bảo lưu thì ghi rõ vào mục “Ý kiến bảo lưu của giáo viên được đánh giá” trong mẫu phiếu này.

Bước 3: Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại

Hiệu trưởng xem xét kết quả tự đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của mỗi giáo viên, kết quả lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giáo viên (nếu có) và kết quả đánh giá, xếp loại năng lực sư phạm của khoa/tổ bộ môn để đưa ra quyết định đánh giá, xếp loại về từng giáo viên trong trường. Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa tự đánh giá của giáo viên với đánh giá của khoa/tổ bộ môn hoặc trường hợp xếp loại xuất sắc, loại chưa đạt, hiệu trưởng cần xem xét lại các minh chứng, trao đổi với trưởng khoa/tổ trưởng bộ môn, tham khảo ý kiến của các phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên được hiệu trưởng ghi vào mục “Ý kiến nhận xét và đánh giá của hiệu trưởng” của mẫu phiếu quy định (phụ lục 4 kèm theo).

Kết quả cuối cùng của việc đánh giá, xếp loại giáo viên toàn trường theo Chuẩn trong năm học thuộc thẩm quyền quyết định của hiệu trưởng, thể hiện trên phiếu tổng hợp xếp loại giáo viên theo Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp của hiệu trưởng (phụ lục 5 kèm theo), được công bố công khai trong tập thể giáo viên và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Trong quá trình đánh giá, xếp loại, giáo viên có quyền trình bày ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của hiệu trưởng.

Để có thêm thông tin cho việc đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên, hiệu trưởng có thể lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giáo viên. Việc xây dựng các phiếu hỏi cần dựa vào các tiêu chí trong Chuẩn và cũng chỉ nhằm mục đích có thêm thông tin về đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên.

b) Minh chứng và nguồn minh chứng trong đánh giá, xếp loại

Khi đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên theo Chuẩn, điều cần thiết và quan trọng là phải căn cứ vào các minh chứng. Minh chứng là các tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng được giáo viên tích lũy trong quá trình làm việc và xuất trình khi cần chứng minh mức độ đạt được của tiêu chí. Nguồn minh chứng của mỗi tiêu chuẩn được dùng chung cho việc đánh giá các tiêu chí của tiêu chuẩn đó. Ngoài các nguồn minh chứng của các tiêu chuẩn trong phụ lục 2, giáo viên có thể nêu thêm các minh chứng khác phục vụ cho việc đánh giá. Người đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên cần xem xét minh chứng để kiểm tra, xác nhận hay điều chỉnh mức tự đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ