Loading


Hướng dẫn 15/HD-VKSTC thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2017 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 15/HD-VKSTC
Ngày ban hành 12/01/2017
Ngày có hiệu lực 12/01/2017
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Tiến Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ NĂM 2017

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017, Kế hoạch công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định nhiệm vụ trọng tâm về công tác tổ chức cán bộ năm 2017 là: Tiếp tục đổi mới công tác thi tuyển, bổ nhiệm Kiểm sát viên, thi tuyển dụng công chức đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chủ động tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và công tác quy hoạch; tăng cường quản lý, đánh giá, sử dụng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2017 như sau:

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT

- Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất các luật mới về tư pháp, Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật, thông tư, quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ mới được ban hành; rà soát, phát hiện, phản ánh những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy chế, quy định, thông tư nêu trên bằng văn bản gửi về Vụ Tổ chức cán bộ trước 31/3/2017 để tổng hợp, xây dựng tài liệu tập huấn về công tác tổ chức cán bộ, dự kiến tổ chức vào tháng 7/2017 (VKSND tối cao sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể).

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tiếp tục chủ động kiện toàn, sắp xếp, điều chỉnh tổ chức bộ máy làm việc, đội ngũ cán bộ đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) đã có hiệu lực pháp luật và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, khi có hiệu lực thi hành.

II. CÔNG TÁC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, SẮP XẾP ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh chủ động đề xuất việc kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, chuyên sâu theo lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, bố trí biên chế, Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức, viên chức hợp lý, đảm bảo phân loại theo công việc để từng bước hình thành các chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực công tác. Chú ý tập trung Kiểm sát viên cho công tác nghiệp vụ, giảm khu vực hành chính, phục vụ; tăng cường nhân lực cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao, VKSND cấp cao, những đơn vị được giao thêm nhiệm vụ và các khâu công tác dân sự, hành chính, thi hành án và khiếu tố nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các luật mới về tư pháp.

- Thành lập Phòng quản lý án hình sự thuộc Văn phòng VKSND tối cao;Đối với những đơn vị VKSND cấp tỉnh có biên chế và khối lượng công việc nhiều khi có đủ điều kiện theo quy định và cần thiết thì đề xuất thành lập đơn vị thanh tra độc lập. Những đơn vị chưa đủ điều kiện thành lập thanh tra độc lập phải chủ động, tích cực thực hiện ngay việc bố trí, sắp xếp công chức chuyên trách, có năng lực làm công tác thanh tra, đảm bảo có chất lượng, không chờ đến khi thành lập thanh tra mới hoạt động.

- Chủ động phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện việc rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, nhất là nhận xét, đánh giá công chức lãnh đạo, quản lý trong chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm công vụ, phục vụ tốt cho việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công chức, nhất là đảm bảo tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

III. CÔNG TÁC CÁN BỘ

1. Công tác tuyển dụng công chức

- Việc tuyển dụng công chức năm 2017 được thực hiện theo Quy chế tuyển dụng công chức Viện kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 494/QĐ-VKSTC ngày 25/8/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao). Thực hiện tuyển đủ biên chế được giao, bảo đảm chất lượng. Lưu ý việc thi tuyển, xét tuyển phải chặt chẽ, có hiệu quả và thực hiện đúng Hướng dẫn số 4569/VKSTC-V15 ngày 07/11/2016 về việc hướng dẫn xây dựng, quản lý, sử dụng đề và đáp án thi tuyển, xét tuyển công chức.

- VKSND cấp cao, cấp tỉnh chủ động tuyển dụng công chức đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng theo Kế hoạch đã được phê duyệt năm 2016, trên cơ sở thực hiện tinh giản biên chế và phương án tuyển dụng sinh viên khóa I, Đại học kiểm sát Hà Nội (tốt nghiệp cuối năm 2017); giám sát chặt chẽ các Hội đồng tuyển dụng công chức, đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, chính xác.

- Căn cứ chỉ tiêu được giao, tuyển bổ sung và quản lý chặt chẽ số lượng Hợp đồng 68. Không thực hiện việc bố trí lao động theo Hợp đồng 68 để thực hiện các công việc chuyên môn không đúng với quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ. Đối với những đơn vị VKSND cấp huyện được cấp ô tô, việc ký hợp đồng lao động thực hiện theo Công văn số 125/VKSTC-V9 ngày 01/01/2013 của VKSND tối cao nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm.

2. Công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND các địa phương hoàn thành việc đánh giá phân loại công chức, viên chức, người lao động năm 2016 và gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) đúng thời gian quy định tại Quy chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động (ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao).

- Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp đảm bảo chính xác, trên cơ sở các tiêu chí quy định và tập trung đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, sự tín nhiệm và trách nhiệm của người đúng đầu đơn vị để bố trí, sắp xếp phù hợp, kết hợp với việc thực hiện chủ trương chuyển đổi vị trí, điều động, luân chuyển, đào tạo nguồn lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành theo đúng chủ trương về công tác cán bộ của Đảng và quy định của Nhà nước.

Việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ phải trên cơ sở nhận xét, đánh giá công chức, viên chức và người lao động và gắn với Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị, VKSND các cấp đã xây dựng.

3. Công tác quy hoạch và luân chuyển công chức, viên chức

- Căn cứ Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức trung ương và các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2021 và phân loại kế cận, kế tiếp trong số đã được quy hoạch, bảo đảm 03 độ tuổi (VKSND tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể); xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026 theo quy định và gửi kết quả về các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Việc đề nghị bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND địa phương gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/4/2017 để Ban cán sự đảng VKSND tối cao phê duyệt. Đồng thời gửi kèm kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện đã được Viện kiểm sát cấp tỉnh phê duyệt. VKSND tối cao chỉ xem xét, bổ nhiệm đối với những người đã được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện việc rà soát, bổ sung kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của công chức thuộc đơn vị, địa phương mình; gắn công tác luân chuyển cán bộ với công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trên tinh thần đổi mới công tác cán bộ theo hướng chuẩn hoá, trẻ hoá cán bộ; chú trọng luân chuyển, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc ít người...; đồng thời, gắn với công tác luân chuyển cán bộ và chủ trương bố trí Viện trưởng VKSND các cấp không phải là người địa phương, nhất là những địa phương tỷ lệ này chưa đạt yêu cầu hoặc chưa tích cực. Tiếp tục đề nghị cấp ủy địa phương kiện toàn, bổ sung lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân địa phương tham gia cấp ủy theo quy định tại Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị.

4. Về tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý và Kiểm sát viên

- Căn cứ chỉ tiêu số lượng Kiểm sát viên các ngạch đã được phân bổ cho từng cấp kiểm sát, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp rà soát, tổng hợp số Kiểm sát viên giảm tự nhiên trong năm 2017 (nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc...) để xây dựng kế hoạch bổ sung, hoàn thành trước ngày 30/4/2017; căn cứ vào Quy chế thi tuyển, cử các đối tượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi, không hạn chế số lượng (VKSND tối cao sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể), đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Thông qua việc thi tuyển Kiểm sát viên, tạo phong trào học hỏi, nghiên cứu, tạo động lực phấn đấu trong đội ngũ công chức, nhất là những cán bộ trẻ có năng lực; điểm thi tuyển Kiểm sát viên là một trong những cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá, đề nghị bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý sau này.

- Căn cứ Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyên, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-VKSTC-V15, ngày 22/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao) để thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Kiểm sát viên theo đúng quy định; khắc phục tình trạng thiếu Kiểm sát viên ở VKSND 2 cấp; không bổ nhiệm lại chức vụ quản lý, chức danh tư pháp và điều chuyển làm công tác khác đối với lãnh đạo, Kiểm sát viên có vi phạm, thiếu sót đã được chấn chỉnh nhưng không khắc phục.

- Chủ động xây dựng kế hoạch kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý VKSND các cấp, trình Ban cán sự đảng VKSND tối cao và cấp ủy địa phương cho chủ trương về nguồn nhân sự (cần nêu rõ phương án lựa chọn nguồn nhân sự cụ thể giới thiệu đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị cán bộ chủ chốt).

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp dưới tích cực phối hợp xây dựng nguồn đề thi tuyển các chức danh tư pháp để xây dựng bộ đề thi của ngành bảo đảm toàn diện ở các lĩnh vực công tác, phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014 và những quy định của các luật mới về tư pháp.

[...]
3