Loading


Hướng dẫn 169-HD/BTGTW năm 2016 tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Ban Tuyên giáo ban hành

Số hiệu 169-HD/BTGTW
Ngày ban hành 15/01/2016
Ngày có hiệu lực 15/01/2016
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Bùi Thế Đức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 169-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN

TUYÊN TRUYỀN CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị này là tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân năm 2016.

2. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử; chủ động đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử, chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta.

3. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác bầu cử, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Làm cho mọi công dân nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tham gia tự giác, tích cực, chủ động để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân,

4. Công tác tuyên truyền về bầu cử cần được tiến hành song song với lộ trình, bước đi của cuộc bầu cử (trước, trong và sau khi bầu cử), hỗ trợ đắc lực cho công tác triển khai bầu cử; góp phần cổ vũ tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; tạo không khí thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

II. Nội dung tuyên truyền

1. Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; phân tích, làm rõ bối cảnh, tình hình đất nước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, như: toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc, việc học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đang được tiến hành; Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước mới được ban hành; công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đặt ra khi chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Giới thiệu nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, như: Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 13/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia; kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác bầu cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng; các văn bản pháp luật, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân….

Tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở các kỳ bầu cử trước và tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Đặc biệt làm rõ một số điểm mới trong Chỉ thị 51-CT/TW, đó là: (1) Giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (2) Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng. (3) Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu (4) Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử (5) Bổ sung tỷ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (6) Phát huy quyền làm chủ của nhân dân không chỉ trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn trong công tác bầu cử.

3. Tuyên truyền đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói riêng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp. Thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội khóa XIV Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

4. Giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này, đó là những điều chỉnh, bổ sung cụ thể về bộ máy thực hiện công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử; việc tuyên truyền vận động bầu cử, giải quyết khiếu nại tố cáo….

5. Giới thiệu nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; làm rõ những điểm mới được bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình mới, như: (1) Quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây. Ngày bầu cử Quốc hội phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất trước 115 ngày thay vì 105 ngày như trước đây. Việc tăng thêm 10 ngày tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là bảo đảm các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn. (2) Quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. (3) Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (4) Những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc,

6. Tuyên truyền tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong Chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Khi tuyên truyền về quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, gắn kết quả nhân sự đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

7. Tuyên truyền quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; các hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử...

8. Tuyên truyền công tác chuẩn bị bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, điều kiện vật chất, kỹ thuật, tài chính bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử; các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai diễn ra trong thời gian tiến hành bầu cử. Kết quả giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ nội bộ ta của các thế lực thù địch.

9. Phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp về công tác bầu cử; quá trình diễn ra và kết quả bầu cử của các ngành, địa phương, khu vực, vùng, miền trên toàn quốc.

10. Tuyên truyền về sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân đối với cuộc bầu cử; kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử, biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

11. Phản ánh không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật, các hoạt động tự giác của cử tri và nhân dân tham gia bầu cử ra nước ngoài và sự quan tâm, dư luận tích cực của thế giới đối với sự kiện này của đất nước.

Công tác tuyên truyền cần tập trung vào đối tượng các tầng lớp nhân dân; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang nhân dân; tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị; bắt đầu từ Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cho đến sau khi kết thúc bầu cử một tháng.

III. Tổ chức thực hiện

1. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Hướng dẫn chỉ đạo công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; xây dựng Tài liệu tuyên truyền thành công của cuộc bầu cử.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền trước, trong, sau cuộc bầu cử với các hình thức sáng tạo, phong phú, chú ý hình thức phỏng vấn, tọa đàm, phóng sự, phát biểu ý kiến của cử tri, của người ứng cử; tổ chức các cuộc tọa, trao đổi; mở các chuyên đề, chuyên mục thường xuyên, định kỳ về bầu cử; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở phát thanh các bản tin giới thiệu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tiểu sử đại biểu tham gia bầu cử ở địa phương.

3. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, như: khẩu hiệu, pa nô, áp phích; hoạt động của các đội thông tin lưu động; tổ chức và chỉ đạo các sở văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức hoạt động triển lãm, văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng cuộc bầu cử.

4. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức tọa đàm về vai trò của Quốc hội trong bộ máy nhà nước; về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong việc tích cực tham gia hoạt động bầu cử....

5. Ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch chỉ đạo công tác tuyên truyền về bầu cử với các hình thức đa dạng, kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử các ngành hữu quan mở hội nghị bồi dưỡng nội dung về bầu cử cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; cung cấp thông tin, tài liệu và chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền về cuộc bầu cử; đăng tin bài trên Bản tin sinh hoạt chi bộ; gửi Báo cáo công tác tuyên truyền bầu cử ở địa phương về Ban Tuyên giáo Trung ương khi kết thúc bầu cử.

[...]
2