Loading


Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2022 phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang hai năm 2022-2023 gắn với thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2022
Ngày có hiệu lực 05/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 05 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG HAI NĂM 2022 - 2023 GẮN VỚI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025. Để phục hồi và phát triển nhanh, bền vững KT - XH năm 2022 và Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đề ra Kế hoạch phục hồi và phát triển KT - XH của tỉnh Tiền Giang 02 năm 2022 - 2023 (gọi tắt là Kế hoạch) gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

I. QUAN ĐIỂM

1. Tạo ra sự thống nhất của các cấp, các ngành trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, gia tăng xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng... thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở kiểm soát lạm phát.

Triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 02 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển KT - XH; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh. Huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cân đối hợp lý giữa các ngành, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng; bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

2. Thể hiện đầy đủ, rõ ràng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh; có phân công, phân cấp cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã và TP. Mỹ Tho nhằm quyết tâm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT - XH tỉnh Tiền Giang năm 2022 - 2023 và những năm tiếp theo.

3. Làm căn cứ để các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 - 2023.

4. Nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Huy động cao nhất các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong ngắn hạn (năm 2022 - 2023) cũng là nền tảng để phát triển trong trung hạn. Chủ động triển khai, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương đến người dân, doanh nghiệp, đối tượng có liên quan trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG NĂM 2022 VÀ NĂM 2023

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022, nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) năm 2022 tăng 6,0 - 7,0% và dự kiến năm 2023 tăng trưởng từ 6,5% trở lên; có giải pháp hữu hiệu trong đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cao hơn năm 2021; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực, đẩy mạnh triển khai, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2022 dự kiến tăng từ 3 - 4% và năm 2023 tăng khoảng 3,2%.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng, năm 2022, phấn đấu tăng trưởng đạt 9,4 - 10,8%, trong đó các ngành công nghiệp tăng từ 9 - 10,5%; lĩnh vực xây dựng tăng 11,5 - 12,5%. Dự kiến năm 2023 tăng trưởng đạt khoảng 10,8% (công nghiệp tăng 10% và ngành xây dựng tăng 10,8%).

- Khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm), năm 2022 và năm 2023, phấn đấu tăng trưởng lần lượt đạt 6,4% và 6,5%, trong đó, năm 2022, phấn đấu hầu hết các ngành dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ; một số ngành tăng trưởng khá, như bán buôn, bán lẻ; vận tải; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng trên 7%. Nhóm các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động của cơ quan nhà nước... tăng trưởng từ 6% trở lên. Bên cạnh đó khôi phục một số ngành trong khu vực dịch vụ như kinh doanh bất động sản, nghệ thuật, vui chơi, giải trí... phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 4% trở lên.

Tập trung các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, với quyết tâm tăng trưởng năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, đạt 6,0% trở lên và sang năm 2023 từ 6,5% trở lên, trong đó, tập trung cho các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, như nông, ngư nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng, sản xuất công nghiệp, thương mại... Bên cạnh đó cũng cần có các giải pháp tích cực để sớm phục hồi những ngành bị ảnh hưởng lớn như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, vui chơi giải trí; sử dụng, triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

2. Về nhiệm vụ, giải pháp:

2.1. Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh

2.1.1. Về phát triển lĩnh vực nông, ngư nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương

a) Phát triển lĩnh vực nông, ngư nghiệp: với tỷ trọng chiếm 38,6% trong tổng GRDP của tỉnh (giá hiện hành), đây là ngành nền tảng, có vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh, không chỉ tạo ra giá trị cho bản thân ngành mà còn tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu. Quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm cao hơn năm 2021. Tập trung các giải pháp để gia tăng sản xuất, xử lý, thu hoạch đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án gồm Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 và các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các nông sản chủ lực: Thanh Long, Sầu Riêng, Xoài cát Hòa Lộc, sản phẩm chim Cút, sản phẩm gà Ác; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất; thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng trong nông sản (dịch vụ Logistic); quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, về vùng nguyên liệu để đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến nông sản. Theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, quan trắc chất lượng nguồn nước và thông báo kịp thời để người dân chủ động sản xuất. Tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác kiểm tra, xử lý tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (bệnh trên gia súc, gia cầm...) và thủy sản thực hiện chặt chẽ. Tiếp tục hướng dẫn, theo dõi triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; thực hiện củng cố, nâng chất và duy trì các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

- Đầu tư nâng cấp duy tu sửa chữa công trình cống, đê điều, nạo vét kênh chính, hệ thống kênh cấp dưới và thủy lợi nội đồng thuộc các vùng dự án Gò Công, Bảo Định (TP. Mỹ Tho), Phú Thạnh, Phú Đông (huyện Tân Phú Đông)... phát huy hết năng lực thiết kế, nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện: Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, và Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 28/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ. Tập trung triển khai thi công và hoàn thành theo đúng tiến độ các công trình, dự án trong danh mục Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ 02 năm 2022 - 2023 (đính kèm danh mục dự án ở Phụ lục 7).

- Tiếp tục mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư về việc đầu tư các nhà máy chế biến, tồn trữ nông sản, trái cây trên địa bàn tỉnh. Tập trung thi công, giải ngân các công trình vốn tỉnh và vốn Trung ương trên địa bàn tỉnh liên quan đến ngành nông nghiệp như: hệ thống thủy lợi, phòng chống hạn mặn, đê biển, các công trình sạt lở, xây dựng huyện, xã nông thôn mới...

2.1.2. Về phát triển lĩnh vực công nghiệp

Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo kế hoạch đề ra trên cơ sở đảm bảo ổn định và an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều công nhân; phát triển mạnh các ngành công nghiệp tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế; gia tăng xuất khẩu...

- Về phát triển các ngành công nghiệp: chiếm tỷ trọng khoảng 22,8% trong tổng GRDP, là ngành tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trước đây (khi chưa có dịch Covid-19). Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, gặp gỡ, tìm hiểu, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong cung cấp nguyên vật liệu đầu vào ổn định để tăng cường sản xuất… Tích cực theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 (nắm bắt những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho tỉnh) và tham mưu đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tháo gỡ các rào cản, phục hồi nhanh các ngành bị tác động bởi dịch Covid-19, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2021.

[...]
2