Loading


Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2020 về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 133/KH-UBND
Ngày ban hành 08/06/2020
Ngày có hiệu lực 08/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 133/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2020

Căn cứ văn bản của Ủy ban nhân dân Tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn(1), Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020 như sau:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2020”, đa dạng hình thức và trình độ đào tạo, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, người dân, học sinh tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế của gia đình.

- Phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động.

- Tập trung đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hạn chế tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người tham gia học nghề sau khi học; huy động sự tham gia các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó qua đào tạo nghề 50%.

Tuyển sinh đào tạo nghề cho 21.500 người(2). Trong đó, phi nông nghiệp là 20.060 người, nông nghiệp là 1.440 người.

1. Hoạt động tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đánh giá kết quả thực hiện

- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng theo Quyết định số 1956/QĐ- TTg, Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về truyền thông về giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đề ra phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện các năm tiếp theo.

(Kèm phụ lục 01)

- Căn cứ Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 13/4/2018 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và tình hình thực tế tuyển sinh, đào tạo; năm 2020 tiếp tục bố trí 3.000.000.000 đồng (Ba tỷ đồng) từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo giao về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020 để đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các Trường trung cấp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thủ tục mua sắm và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy trình, quy định.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh việc sử dụng trang thiết bị tại các đơn vị tham gia đào tạo nghề, đề xuất điều chuyển thiết bị và liên kết sử dụng trang thiết bị thực hành giữa các trường, giữa trường với doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề người học nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

(Kèm phụ lục 02)

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, lựa chọn ngành, nghề mà chương trình, giáo trình không còn phù hợp hoặc ngành nghề mới mà địa phương có nhu cầu đào tạo, tổ chức chỉnh sửa, xây dựng hoặc đặt hàng chỉnh sửa, xây dựng chương trình, giáo trình.

- Chương trình, giáo trình phải tiếp cận sát với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp (trong quá trình tổ chức biên soạn, chỉnh sửa chú trọng sự tham gia đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp). Trong đó, tập trung đầu tư các nghề trọng điểm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt và những ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh như: Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Kỹ thuật xây dựng, Điện công nghiệp, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản, Bảo vệ thực vật, Dịch vụ thú y, Dược, Điều dưỡng, Nghiệp vụ bàn - buồng, Quản trị kinh doanh…

- Lĩnh vực phi nông nghiệp: Trên cơ sở rà soát thống kê nhu cầu bồi dưỡng từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức dự giờ, đánh giá chất lượng giờ giảng đối với nhà giáo tại 03 Trường Trung cấp thuộc Sở; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 235 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

- Lĩnh vực nông nghiệp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ nhà giáo tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức bồi dưỡng cho 110 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ nhu cầu thực tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu và kinh phí giữa các nội dung, nhưng không vượt quá tổng kinh phí được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

(Kèm phụ lục 03)

Kế hoạch năm 2020, tuyển sinh đào tạo nghề cho 21.500 người. Trong đó, phi nông nghiệp là 20.060 người, nông nghiệp là 1.440 người, gồm:

- Cao đẳng là 1.790 người, trung cấp là 1.695 người (Kèm phụ lục 04).

- Đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng lĩnh vực phi nông nghiệp: Tổ chức đào tạo nghề cho 183 lớp với 5.764 học viên (Kèm phụ lục 05).

- Đào tạo nghề dưới 03 tháng lĩnh vực nông nghiệp: Tổ chức đào tạo nghề cho 51 lớp với 1.440 học viên (Kèm phụ lục 06).

- Đào tạo khác: Đào tạo nghề cho thanh niên, lái ô tô, điều khiển phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp tự đào tạo… 10.811 học viên.

Căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn quản lý. Nguồn kinh phí thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo giao về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng 16.000.000 đồng (mười sáu triệu đồng) từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy ban nhân dân cấp huyện sử dụng từ nguồn 1% chi phí quản lý và cân đối bố trí thêm nguồn vốn huyện để thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát.

- Căn cứ Kế hoạch phát động phong trào thi đua chuyên đề hàng năm của Ủy ban nhân dân Tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí, triển khai đến các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng kinh tế huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp thi đua thực hiện phong trào.

- Tổng kết năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn và đề xuất, gửi Sở Nội vụ xem xét, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong năm 2020.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ