Loading


Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2024 phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn năm 2025

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 17/07/2024
Ngày có hiệu lực 17/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 17 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2025

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Công văn số 4487/BKHĐT-TH ngày 11/6/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Năm 2024 là năm có vai trò quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bước vào triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, bên cạnh những thuận lợi như: tình hình chính trị - xã hội của nước ta ổn định, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: tình hình trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm,... Trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng; doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; tâm lý sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; những vướng mắc, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn 6 tháng đầu năm 2024.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ DỰ ƯỚC KẾT QUẢ NĂM 2024

1. Về phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 4,72%[1], ước cả năm 2024 tăng 6,33%[2], trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,29%, dịch vụ tăng 5,05%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,44%.

1.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, thông minh; thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Các chính sách đặc thù về nông nghiệp, nông thôn tiếp tục

được thực hiện có hiệu quả. Tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được tăng cường áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, nông dân số. Tiếp tục nâng cao chất lượng, đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là bệ đỡ trong phát triển kinh tế. Tổng diện tích gieo trồng cơ bản ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nhóm cây lương thực có hạt và cây công nghiệp hàng năm, giảm diện tích nhóm cây có củ và cây thạch đen. Tích cực triển khai các biện pháp tái đàn gia súc, gia cầm, trong đó đàn lợn, đàn gia cầm tăng nhẹ, đàn trâu, đàn bò có xu hướng giảm, diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, 6 tháng đầu năm ước trồng được 6.500 ha, đạt 72,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ, ước cả năm trồng được 9.600 ha, đạt 106,7% kế hoạch, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 64,6%, đạt mục tiêu năm 2024 đề ra. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đến hết năm 2024 đạt 98,5%, tăng 0,5% so với năm 2023 và giai đoạn 2021- 2023, đạt mục tiêu đề ra.

1.2. Phát triển kinh tế cửa khẩu

Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu được tập trung đẩy nhanh thực hiện. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; hiện nay đang xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung Đề án ngay sau khi được thông qua. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng vốn ngoài ngân sách tại khu vực kinh tế cửa khẩu được quan tâm đẩy mạnh. Tổ chức lễ công bố và đưa vào vận hành chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài; lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng chính sách xuất nhập cảnh đối với hành khách qua các lối thông quan trên. Tăng cường các biện pháp quản lý và đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ, thực hiện 2.720 triệu USD, đạt 53,3% kế hoạch; hết năm 2024 ước 5.800 triệu USD[3], đạt 113,7% kế hoạch, tăng 21,3% so với năm 2023 và tăng 43,2% so với trung bình 3 năm 2021 - 2023[4]. Xuất khẩu hàng địa phương trong 6 tháng đầu năm ước 74 triệu USD, đạt 43,8% kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ, ước cả năm đạt 169 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,3%, đạt mục tiêu đề ra.

1.3. Sản xuất công nghiệp; thương mại, dịch vụ và du lịch

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,14%, thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2023 là 2,5 điểm %[5]; có 8/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn có sản lượng tăng; hết năm 2024 ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,22% (cao hơn so với năm 2023, 2023 đạt 6,42%, thấp hơn năm 2022, năm 2022 là 7,09% và cao hơn năm 2021, năm 2021 là 5,28%), các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn đạt kế hoạch đề ra[6]. Đến hết tháng 6/2024, đã thành lập 02 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 9 cụm công nghiệp tại 06 huyện và thành phố Lạng Sơn với quy mô diện tích 372,82 ha. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đưa Nhà máy thuỷ điện Bản Nhùng phát điện thương mại từ ngày 27/3/2024.

Hoạt động thương mại phát triển đúng định hướng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản được ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Tính hết 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 2,85%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước[7]; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước 17.760,12 tỷ đồng, đạt 43,86% kế hoạch, tăng 13,12%, Ước hết năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 1,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 36.904 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 13,12% so với năm 2023, tăng 31,74% so với trung bình giai đoạn 2021 - 2023[8]. Công tác hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân. Hoạt động vận tải, kho bãi cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của Nhân dân, doanh nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, doanh thu ổn định, đạt tiến độ đề ra.

Khu vực kinh tế du lịch tiếp tục đà phục hồi, phát triển. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động, biện pháp kích cầu du lịch gắn với việc tổ chức các lễ hội đầu Xuân hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng mới, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổng lượng khách du lịch và doanh thu tăng khá, vượt chỉ tiêu đề ra, 6 tháng đầu năm đã thu hút khoảng 2.970 nghìn lượt khách, đạt 73,2% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ; hết năm 2024, ước thu hút khoảng 4.160 nghìn lượt khách, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 6,15% so với năm 2023 và tăng 38% so với trung bình giai đoạn 2021 - 2023[9]. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm đạt 2.603 tỷ đồng, đạt 60,5%, tăng 20,4%, hết năm 2024, doanh thu ước thực hiện 4.320 tỷ đồng, đạt 100,5%, tăng 37,8% so với năm 2023 và tăng gấp nhiều lần so với năm 2021 và 2022, tăng 115,71% so với trung bình 3 năm 2021 - 2023[10]. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn theo kế hoạch, chuẩn bị các nội dung, điều kiện phục vụ tổ chức UNESCO thẩm định Hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.

1.4. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý đầu tư công, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và công tác quy hoạch

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định, đảm bảo thời gian, đúng mục tiêu, cơ cấu, định mức và danh mục, đạt 99,5% kế hoạch (năm 2023 đạt 81,5%). Chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đối với từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất lan tỏa, liên kết vùng, tuy nhiên kết quả đạt được tại các địa bàn chưa đồng đều. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án, trọng tâm là dự án trọng điểm, chương trình

MTQG và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức khởi công 262 công trình, hoàn thành đưa vào sử dụng 164 công trình cấp huyện. Hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh thực hiện, đã khởi công Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, dự án Nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B; khởi công khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và cụm công nghiệp Hồ Sơn 1. Các dự án trọng điểm, dự án giao thông liên kết vùng được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm. Triển khai thực hiện Đề án xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì cầu trên đường giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2024 - 2030. Xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao, toàn tỉnh xây dựng được 155,74 km, góp phần hoàn thành vượt các chỉ tiêu về cứng hóa đường giao thông năm 2024 đề ra. Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 là 1.029,5 tỷ đồng, đạt 29,8% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, đạt 26% kế hoạch điều chỉnh (tăng 500 tỷ đồng dự án BOT); ước hết năm 2024 giải ngân 3.938,6 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung tháo gỡ khó khăn và triển khai ngay từ đầu năm. Căn cứ Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã khẩn trương hoàn thành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Tổng giải ngân vốn các Chương trình MTQG năm 2024 ước thực hiện 340 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được quan tâm; toàn tỉnh hiện có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 14,08 tiêu chí/xã. Tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tiến độ thực hiện các dự án cơ bản đạt mục tiêu; tổ chức khảo sát đăng ký, lập danh mục thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; triển khai Kế hoạch về tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đẩy nhanh hoàn thành 02 dự án y tế của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng được tăng cường. Công tác lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cơ bản đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng theo quy định. Hoàn thành trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) tỉnh Lạng Sơn. Ngày 21/4/2024, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát hoàn thiện các nội dung cơ sở dữ liệu, sơ đồ, bản đồ Quy hoạch tỉnh; tổ chức rà soát các nội dung, dữ liệu của Quy hoạch tỉnh phù hợp với các nội dung dữ liệu trong các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đang được xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để hoàn thiện theo quy định.

1.5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với các hành động thiết thực, giải pháp cải thiện hiệu quả, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 thăng 02 hạng so với năm 2022, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, hết tháng 6 toàn tỉnh đã thành lập mới 635 doanh nghiệp, vượt mục tiêu đề ra, đạt 105,83% kế hoạch, tăng 131% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký 5.125 tỷ đồng, tăng 217%, ước cả năm thành lập mới 900 doanh nghiệp, tăng 30,4% so với năm 2023, tăng 55,7 so với trung bình giai đoạn 2021 - 2023[11], đạt 150% kế hoạch, với tổng số vốn đăng ký hoạt động khoảng 6.500 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.725 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 55.500 tỷ đồng, 763 chi nhánh, văn phòng đại diện. Công tác phát triển kinh tế tập thể được quan tâm. Công tác thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo chặt chẽ, 6 tháng đầu năm đã chấp thuận chủ trương đầu tư 07 dự án, tăng 02 dự án so cùng kỳ, tổng vốn đầu tư 5.199 tỷ đồng, tăng 3.221 tỷ đồng, tương đương 262,9%. Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024, UBND tỉnh đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 18.600 tỷ đồng; trao 9 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 21.500 tỷ đồng.

1.6. Quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ