Loading


Luật dân quân tự vệ năm 2009

Số hiệu 43/2009/QH12
Ngày ban hành 23/11/2009
Ngày có hiệu lực 01/07/2010
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 43/2009/QH12

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2009

 

LUẬT

DÂN QUÂN TỰ VỆ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật dân quân tự vệ,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ và trách nhiệm quản lý nhà nước về dân quân tự vệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ.

Điều 3. Vị trí, chức năng của dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Điều 4. Thành phần của dân quân tự vệ

1. Dân quân tự vệ gồm dân quân tự vệ nòng cốt và dân quân tự vệ rộng rãi.

2. Dân quân tự vệ nòng cốt gồm:

a) Dân quân tự vệ cơ động;

b) Dân quân tự vệ tại chỗ;

c) Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dân quân tự vệ nòng cốt là lực lượng gồm những công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, được tuyển chọn vào phục vụ có thời hạn trong các đơn vị dân quân tự vệ.

2. Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức thành các đơn vị sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

3. Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức và hoạt động ở thôn, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) và ở cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ tại chỗ, sẵn sàng tăng cường cho dân quân tự vệ cơ động.

4. Dân quân tự vệ biển là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam.

5. Dân quân tự vệ thường trực là lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

6. Dân quân tự vệ rộng rãi là lực lượng gồm những công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ đã được đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng và huy động khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

7. Mở rộng lực lượng dân quân tự vệ là biện pháp tăng cường biên chế, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

[...]
38