Loading


Luật Cảnh vệ 2017

Số hiệu 13/2017/QH14
Ngày ban hành 20/06/2017
Ngày có hiệu lực 01/07/2018
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 13/2017/QH14

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2017

 

LUẬT

CẢNH VỆ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Cảnh vệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cảnh vệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

2. Công tác cảnh vệ là thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

3. Biện pháp cảnh vệ là phương pháp, cách thức mà lực lượng Cảnh vệ được áp dụng để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi của con người và các yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.

5. Bảo vệ tiếp cận là biện pháp cảnh vệ do sĩ quan cảnh vệ đảm nhiệm, được tiến hành thường xuyên, trực tiếp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống cho đối tượng cảnh vệ được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Luật này.

6. Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 4. Vị trí, chức năng của lực lượng Cảnh vệ

Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Điều 5. Nguyên tắc công tác cảnh vệ

1. Tuân thHiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

4. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; kết hợp giữa hoạt động công khai và hoạt động bí mật để thực hiện công tác cảnh vệ.

5. Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Điều 6. Chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ

1. Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

[...]
30