Loading


Dự thảo Luật Việc làm

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 15/03/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:       /     /QH15

 

DỰ THẢO 3

 

 

LUẬT VIỆC LÀM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Việc làm.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm.

3. Người có việc làm là người lao động có hoạt động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm.

4. Người thất nghiệp là người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.

5. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là quy định về kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành và khả năng ứng dụng kiến thức, năng lực đó vào công việc mà người lao động cần phải có để thực hiện công việc theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề.

6. Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm hỗ trợ người lao động để duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

7. Việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Nguyên tắc về việc làm

1. Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa người lao động và người sử dụng lao động.

2. Bình đẳng về cơ hội việc làm, điều kiện làm việc, tiền lương và thu nhập.

3. Bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

4. Bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về việc làm

1. Có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm, phát triển kỹ năng nghề.

2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm theo hướng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động.

3. Có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý nhà nước về việc làm.

4. Phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm.

[...]
3