Loading


Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

Số hiệu 140/2021/NĐ-CP
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc); chế độ, quản lý, giáo dục; trình tự, thủ tục về lập hồ sơ hoãn, miễn, giảm thời hạn; tạm thời đưa học sinh ra khỏi trường giáo dưỡng, trại viên ra khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; tạm đình chỉ thi hành quyết định, hủy quyết định đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Đề nghị áp dụng và thi hành quyết định áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên (sau đây gọi là biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Người bị đề nghị và bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

2. Người bị đề nghị và bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Người được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

4. Người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị, bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, người được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

5. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

6. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thi hành, quản lý, giáo dục người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Học sinh là người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

2. Trại viên là người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Người bị ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và phải điều trị trong một thời gian nhất định theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên mới có thể bình phục trở lại.

4. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đã kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế.

5. Khó khăn đặc biệt là người phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là người lao động duy nhất để bảo đảm cuộc sống gia đình; gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc có thân nhân bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai chăm sóc, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn.

6. Có tiến bộ rõ rệt là trường hợp học sinh, trại viên thành thật hối lỗi, tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

[...]
30