Loading

16:29 - 27/09/2024

Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi mắc phải bệnh hiểm nghèo nào?

Cho tôi hỏi người mắc bệnh hiểm nghèo nào thì được miễn trách nhiệm hình sự? Bị can bị bệnh hiểm nghèo thì có tạm đình chỉ điều tra không?

Nội dung chính

    Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi mắc phải bệnh hiểm nghèo nào?

    Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:

    Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

    ...

    2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

    ...

    b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

    ...

    Theo quy định trên, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

    Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về bệnh hiểm nghèo được miễn trách nhiệm hình sự trong điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015.

    Việc xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo có thể áp dụng một số pháp luật tương tự như sau:

    [1] Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

    Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như:

    - Ung thư giai đoạn cuối;

    - Bại liệt;

    - Phong hủi;

    - Lao đã kháng thuốc;

    - Xơ gan cổ trướng;

    - Suy tim độ 3 trở lên;

    - Suy thận độ 4 trở lên;

    - Nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS;

    - Bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế.

    [2] Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

    Tại Phụ lục 4 Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP liệt kê 42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo như sau:

    1. Ung thư

    2. Nhồi máu cơ tim lần đầu

    3. Phẫu thuật động mạch vành

    4. Phẫu thuật thay van tim

    5. Phẫu thuật động mạch chủ

    6. Đột quỵ

    7. Hôn mê

    8. Bệnh xơ cứng rải rác

    9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ

    10. Bệnh Parkinson

    11. Viêm màng não do vi khuẩn

    12. Viêm não nặng

    13. U não lành tính

    14. Loạn dưỡng cơ

    15. Bại hành tủy tiến triển

    16. Teo cơ tiến triển

    17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng

    18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết

    19. Thiếu máu bất sản

    20. Liệt hai chi

    21. Mù hai mắt

    22. Mất hai chi

    23. Mất thính lực

    24. Mất khả năng phát âm

    25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn

    26. Suy thận

    27. Bệnh nang tủy thận

    28. Viêm tụy mãn tính tái phát

    29. Suy gan

    30. Bệnh Lupus ban đỏ

    31. Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận)

    32. Bệnh lao phổi tiến triển

    33. Bỏng nặng

    34. Bệnh cơ tim

    35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ

    36. Tăng áp lực động mạch phổi

    37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động

    38. Chấn thương sọ não nặng

    39. Bệnh chân voi

    40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp

    41. Ghép tủy

    42. Bại liệt

    [3] Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

    Tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như:

    - Ung thư giai đoạn cuối;

    - Xơ gan cổ trướng;

    - Lao nặng độ 4 kháng thuốc;

    - Bại liệt;

    - Suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên;

    - HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

    [4] Thông tư 26/2014/TT-BQP về Danh mục bệnh hiểm nghèo, Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

    Tại Mục 1 Danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư 26/2014/TT-BQP quy định danh mục bệnh hiểm nghèo để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm:

    1. Các bệnh ung thư

    2. Các bệnh hệ thần kinh

    - Các tổn thương hệ thần kinh trung ương do nhiều nguyên nhân để lại di chứng không hồi phục: Liệt vận động tứ chi, liệt hai chi dưới, không còn khả năng tự ngồi dậy đi lại được, cơ thể suy kiệt, phải có người chăm sóc y tế thường xuyên liên tục.

    - Tình trạng sa sút trí tuệ nặng, mất trí nhớ hoàn toàn, trạng thái mất vỏ não phải chăm sóc y tế liên tục, thường xuyên.

    - Mất trí hoàn toàn, trạng thái mất não sau chấn thương sọ não.

    - Bệnh Parkinson giai đoạn di chứng, phải có người chăm sóc y tế.

    - Động kinh cơn lớn (toàn bộ), cơn rất mau hoặc liên tục.

    3. Các bệnh về gan

    Xơ gan giai đoạn mất bù: Có cổ trướng mức độ lớn, thường xuyên; biến chứng chảy máu tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, tái phát nhiều lần; hội chứng não - gan - thận; cơ thể suy kiệt nặng, không còn khả năng tự phục vụ.

    4. Các bệnh hệ tiết niệu

    Suy thận mạn giai đoạn 4 mất bù phải lọc máu chu kỳ từ 12 giờ lọc/1 tuần trở lên, thiếu máu nặng, có biến chứng xuất huyết dưới da, tiêu hóa nhiều lần; cơ thể suy kiệt nặng, cần có người giúp đỡ.

    5. Các bệnh chuyển hoá

    Đái tháo đường týp 1, 2 giai đoạn cuối, đã có biến chứng nặng ở các cơ quan đích (mắt, tim, thận, mạch máu) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nghiêm trọng, cần có người giúp đỡ thường xuyên.

    6. Các bệnh phổi mạn tính đã chuyển sang giai đoạn mất bù, có nhiều biến chứng nặng nề như:

    - Suy hô hấp mất bù với những đợt bùng phát nặng, thường xuyên;

    - Cơ thể suy kiệt nặng;

    - Mất khả năng tự phục vụ.

    7. Suy tim độ 4 mất bù hoàn toàn do nhiều nguyên nhân khác nhau, không hồi phục khi điều trị; khó thở thường xuyên, không tự đi lại được.

    8. Các bệnh hệ cơ, xương, khớp

    Bệnh nhược cơ, điều trị không hiệu quả, phải thở máy dài ngày.

    Các bệnh khớp đã có di chứng biến dạng và cứng nhiều khớp, hạn chế vận động toàn thân, không đi lại được, mất khả năng tự phục vụ.

    9. Nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn có triệu chứng lâm sàng (AIDS), cơ thể suy kiệt nặng.

    Như vậy, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo thì tùy từng trường hợp có thể áp dụng các quy định nêu trên để xử lý. Tuy nhiên, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo để được miễn trách nhiệm hình sự phải đi kèm với điều kiện là không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

    Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi mắc phải bệnh hiểm nghèo nào? (Hình từ Internet)

    Bị can bị bệnh hiểm nghèo thì có tạm đình chỉ điều tra không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tạm đình chỉ điều tra:

    Tạm đình chỉ điều tra

    1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

    a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;

    b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;

    c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

    d) Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.

    Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.

    ...

    Như vậy, khi bị can bị bệnh hiểm nghèo mà có kết luận giám định tư pháp xác định là bị bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra.

    Người dưới 18 tuổi phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo thì có được giảm mức hình phạt đã tuyên không?

    Căn cứ Điều 105 Bộ luật Hình sự 2015 quy định giảm mức hình phạt đã tuyên:

    Giảm mức hình phạt đã tuyên

    1. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

    2. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

    3. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

    Như vậy, người phạm tội dưới 18 tuổi bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại nếu mắc bệnh hiểm nghèo.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    203