Loading


Nghị định 144/2016/NĐ-CP quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 144/2016/NĐ-CP
Ngày ban hành 01/11/2016
Ngày có hiệu lực 01/01/2017
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 144/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 29 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng (viết tắt là Thành phố).

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng cơ chế đặc thù

1. Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

2. Việc phân cấp quản lý phải gắn với tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chương II

CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Điều 3. Huy động vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương

1. Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

2. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố.

3. Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Điều 4. Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

1. Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Thành phố để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách Thành phố bảo đảm.

2. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố.

[...]
13