Loading


Nghị định 170/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Giá

Số hiệu 170/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 25/12/2003
Ngày có hiệu lực 14/01/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 170/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 170/2003/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH GIÁ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh mục tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hiệp thương giá; thẩm định giá; kiểm soát giá độc quyền; thẩm quyền định giá và quản lý giá.

Điều 2. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

1. Danh mục hàng hoá thực hiện bình ổn giá theo Điều 6 Pháp lệnh Giá bao gồm: xăng, dầu, khí hoá lỏng, xi măng, sắt thép, phân bón, lúa, gạo, cà phê, bông hạt và bông xơ, mía cây nguyên liệu, muối; một số loại thuốc phòng, chữa bệnh cho người dịch vụ theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 1 Điều này tùy theo từng thời kỳ và khi giá cả thị trường có biến động bất thường.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường xảy ra trong cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Những biện pháp đó là:

a) Điều chỉnh cung cầu hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hoá giữa các vùng, các địa phương trong nước;

b) Mua vào, bán ra hàng hóa dự trữ quốc gia;

c) Kiểm soát hàng hoá tồn kho khi có dấu hiệu đầu cơ;

d) Sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ khi cần thiết.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường có biến động bất thường xảy ra trong cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc trong từng vùng, khu vực. Những biện pháp đó là:

a) Quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá;

b) Kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc đầu cơ nâng giá.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong trường hợp giá cả thị trường biến động bất thường xảy ra tại địa phương đối với giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá mà giá những hàng hoá, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Những biện pháp đó là:

a) Điều chỉnh cung cầu hàng hoá bảo đảm sản xuất, tiêu dùng tại địa phương;

b) Áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá hàng hoá, dịch vụ theo thẩm quyền quản lý và sử dụng ngân sách địa phương.

4. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp đó.

Điều 4. Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá

1. Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố chỉ có hiệu lực thi hành trong thời gian giá cả thị trường có biến động bất thường.

2. Khi tình hình giá cả thị trường trở lại bình thường, cơ quan có thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá công bố chấm dứt thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá đó.

Điều 5. Thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá

1. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố thi hành các biện pháp bình ổn giá trong trường hợp giá thị trường có biến động bất thường xảy ra trong cả nước hoặc trong vùng, khu vực.

[...]
8