Loading


Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt

Số hiệu 56/2018/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/04/2018
Ngày có hiệu lực 01/07/2018
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm: Đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt; phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt; quản lý, sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt; trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và các hoạt động lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt có ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với công trình đường sắt để quản lý, bảo vệ, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định công trình đường sắt và đảm bảo an toàn cho công trình đường sắt.

2. Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

3. Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang là vùng đất, khoảng không, vùng nước bao quanh công trình đường sắt, công trình đường bộ tại khu vực đường ngang để đảm bảo an toàn giao thông khu vực đường ngang, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

4. Tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt là việc d bỏ và không dùng lại toàn bộ các công trình, hạng mục công trình của tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt đó.

5. Công trình thiết yếu bao gồm công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng; công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt như: Viễn thông; điện lực; đường ống cấp nước, thoát nước, xăng, dầu, khí, năng lượng, hóa chất.

Chương II

ĐẶT TÊN TUYẾN, TÊN GA ĐƯỜNG SẮT; THÁO DỠ TUYẾN, ĐOẠN TUYẾN, GA ĐƯỜNG SẮT

Điều 4. Nguyên tắc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt

1. Đặt tên, đổi tên tuyến, ga đường sắt

a) Các tuyến, ga đường sắt hiện hữu được giữ nguyên tên như hiện nay;

b) Trường hợp thay đổi tên tuyến, tên ga đường sắt hiện hữu, phải đặt tên theo quy định của Nghị định này trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua;

c) Tên tuyến đường sắt được đặt theo tên điểm đầu và điểm cuối của tuyến hoặc đặt tên theo số thứ tự hoặc ký tự liên tục. Điểm đầu, điểm cuối là tên của địa danh nơi có ga đầu, ga cuối của tuyến;

d) Trường hợp tuyến đường sắt nhánh có kết nối với tuyến đường sắt chính, điểm đầu của tuyến đường sắt nhánh này được tính tại vị trí kết nối với tuyến đường sắt chính;

đ) Tên ga được đặt theo địa danh, tên các danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc, tên di tích lịch sử - văn hóa tại vị trí đặt ga, theo số thứ tự hoặc ký tự;

e) Tên ga trên một tuyến không được trùng nhau, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục của địa phương nơi đặt ga và đất nước.

[...]
69