Loading


Nghị định 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

Số hiệu 81/2022/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/10/2022
Ngày có hiệu lực 01/12/2022
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ NGOẠI GIAO

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

3. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

6. Về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật:

a) Chủ trì tổng hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm và cả nhiệm kỳ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo quy định và phân cấp quản lý;

b) Chủ trì, phối hợp xây dựng chủ trương bầu cử tại các tổ chức quốc tế và các cơ chế đa phương; chủ trương tổ chức các sự kiện quốc tế có ý nghĩa quan trọng về chính trị, đối ngoại và việc đặt văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổng hợp kế hoạch, đôn đốc hoạt động đối ngoại của các bộ. cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương; hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện các hoạt động đối ngoại;

d) Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế theo quy định của pháp luật;

đ) Tham mưu, chuẩn hoá và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao ở cấp cao của Đảng và Nhà nước.

7. Quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

8. Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

9. Về công tác nghiên cứu và tham mưu dự báo chiến lược:

a) Thông tin và tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế của Việt Nam;

b) Chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các vấn đề có tính dự báo, chiến lược liên quan đến tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao;

c) Chủ trì chuẩn bị và xây dựng các báo cáo của Chính phủ tại các kỳ họp của Quốc hội về tình hình quốc tế và quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

10. Về đại diện trong hoạt động đối ngoại nhà nước:

[...]
3