Loading


Nghị định 99/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Số hiệu 99/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/07/2005
Ngày có hiệu lực 23/08/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT THANH TRA VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra, sau khi thống nhất với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân

Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban Thanh tra nhân dân

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, có hiểu biết nhất định về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước phải là người làm việc thường xuyên tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và không phải là người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và không phải là Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phố và những người đang đảm nhận nhiệm vụ tương đương.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Ban Thanh tra nhân dân hoạt động theo nguyên tắc khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời; làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm mọi hành vi đe dọa, trả thù, trù dập đối với thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân để kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật và thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

MỤC 1. TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 6. Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân

1. Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Thanh tra.

Ban Thanh tra nhân dân có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về các hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.

[...]
19