Loading


Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá do Chính phủ ban hành

Số hiệu 90-CP
Ngày ban hành 21/08/1997
Ngày có hiệu lực 05/09/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC,Y TẾ, VĂN HOÁ (ĐÃ ĐƯỢC CHÍNH PHỦ THÔNG QUA TẠI PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 1997)

I- ĐẶT VẤN ĐỀ CHUNG

Xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hoá và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân.

Xã hội hoá là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. ở mỗi địa phương, đây là cộng đồng trách nhiệm của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân.

Xã hội hoá và đa dạng hoá các hình thức hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc củng cố các tổ chức của Nhà nước, cần phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc các cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đa dạng hoá chính là mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động trên.

Xã hội hoá là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hoá, bởi vì giáo dục, y tế, văn hoá là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.

Xã hội hoá không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách nhà nước; trái lại, Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó.

Thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Công bằng xã hội không chỉ biểu hiện về mặt hưởng thụ, tức là người dân được xã hội và nhà nước chăm lo, mà còn biểu hiện cả về mặt người dân đóng góp, cống hiến cho xã hội theo khả năng thực tế của từng người, từng địa phương.

Thực hiện công bằng trong chính sách xã hội phải vận dụng các nguyên tắc điều chỉnh và ưu tiên; nhất thiết phải ưu tiên đối với người có công, phải trợ giúp người nghèo, vùng nghèo; người có công, có cống hiến nhiều hơn, được xã hội và Nhà nước chăm lo nhiều hơn.

Công bằng xã hội trong việc huy động các nguồn lực của nhân dân vào các hoạt động văn hoá, xã hội không phải là huy động bình quân, mà là vận dụng cách huy động và mức huy động tuỳ theo các lớp người có điều kiện thực tế khác nhau, có mức thu nhập khác nhau. Những người thuộc diện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được miễn, giảm phần đóng góp.

Công bằng xã hội còn được thực hiện thông qua việc phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", người giàu giúp người nghèo, vùng giàu giúp vùng nghèo. Phát triển nhiều loại quỹ do nhân dân đóng góp tự nguyện làm việc nghĩa, như quỹ khuyến học, quỹ từ thiện... Nhà nước ban hành quy chế thành lập và quản lý các quỹ này theo hướng phát huy khả năng tự quản và giám sát của những người đóng góp, thực hiện chế độ công khai hoá thu, chi.

Thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá với quan niệm đúng đắn về công bằng xã hội chính là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng.

II. XÃ HỘI HOÁ LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Nội dung của cuộc vận động toàn dân tham gia sự nghiệp giáo dục bao gồm:

Tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội theo nhiều hình thức; vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập.

Vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp... đối với sự nghiệp giáo dục.

Nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân đối với giáo dục nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục để phục vụ tốt việc học tập của nhân dân.

2. Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động giáo dục và đào tạo:

a) Bên cạnh việc củng cố các trường công lập giữ vai trò chủ đạo, lấy đó làm nòng cốt, cần mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình trường ngoài công lập, tạo cơ hội cho mọi người nâng cao trình độ, tiếp cận được những kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật để vận dụng trong công việc và vào đời sống hàng ngày; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển giáo dục từ xa... Hoàn thiện các cơ chế quản lý đánh giá kết quả, chất lượng kọc tập.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi.

Tỷ lệ hướng dẫn (mang tính định hướng, không có tính bắt buộc) về mức độ phát triển bán công, dân lập và tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là: đại bộ phận giáo dục mầm non; 10-15% đối với cấp tiểu học; 25% đối với cấp trung học cơ sở; 50% đối với cấp trung học phổ thông.

Chuyển giao các trường trung học chuyên nghiệp đào tạo ngành hẹp cho các Tổng công ty, công ty nhà nước trực tiếp quản lý, gắn đào tạo với đơn vị sử dụng. Đối với các Tổng công ty lớn, có nhu cầu phát triển nhanh về nhân lực, cho phép nâng cấp các trường trực thuộc lên cấp cao đẳng trên cơ sở Tổng công ty tự trang trải kinh phí.

Chuyển dần các trung tâm dạy nghề công lập sang hình thức bán công, phát triển các trung tâm dạy nghề dân lập và tư thục; gắn đào tạo nghề với thị trường, với doanh nghiệp.

Củng cố các trường đại học dân lập hiện có, cho phép lập thêm trường đại học dân lập ở một số địa phương có nhu cầu và khả năng quản lý.

Ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ các trường ngoài công lập có điêu kiện hoạt động tốt như: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện về đất để các trường ngoài công lập xây dựng trường sở; các cơ quan nhà nước cho các trường ngoài công lập thuê các cơ sở, công trình hiện có để làm trường sở học tập; nhân dân góp cổ phần để xây dựng trường ngoài công lập; Ngân hàng cho trường ngoài công lập vay vốn theo điều kiện ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở, mua sắm thiết bị giảng dạy, học tập; cho phép các giáo viên đang dạy ở các trường công, các nhà khoa học ở các Viện được tham gia dạy ở các trường ngoài công lập. Các giáo viên trường công khi chuyển sang các đơn vị bán công, dân lập, tư thục được tiếp tục hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội.

b) Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cần cải tiến chế độ học phí, huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và của các tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Việc huy động dân tham gia đóng góp cho giáo dục phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, căn cứ vào mức sống và khả năng của dân ở từng vùng, từng địa phương trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội, có chính sách học phí phù hợp, đồng thời có chính sách trợ cấp xã hội và cho vay vốn để đi học.

[...]
2