Loading


Nghị quyết 113/2020/QH14 về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu do Quốc hội ban hành

Số hiệu 113/2020/QH14
Ngày ban hành 18/06/2020
Ngày có hiệu lực 02/08/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Đầu tư,Thủ tục Tố tụng

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Nghị quyết số: 113/2020/QH14

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM PHÁN QUYẾT CỦA CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ THEO HIỆP ĐỊNH BẢO HỘ ĐẦU TƯ GIỮA MỘT BÊN LÀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ MỘT BÊN LÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN LIÊN MINH CHÂU ÂU

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 103/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu;

Căn cứ Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 18 tháng 4 năm 2020 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu;

Theo đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 277/TTr-CP ngày 04 tháng 6 năm 2020 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu;

Sau khi xem xét Báo cáo thuyết minh số 207/BC-CP ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 2532/BC-UBTP14 ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (sau đây gọi là Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là Hiệp định).

Điều 2. Công nhận và cho thi hành Phán quyết

1. Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1, của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

3. Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

4. Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này.

2. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2020.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

2