Loading


Nghị quyết 121/2020/QH14 năm 2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em do Quốc hội ban hành

Số hiệu 121/2020/QH14
Ngày ban hành 19/06/2020
Ngày có hiệu lực 03/08/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 121/2020/QH14

Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2019/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 69/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 69/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019.

Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nhiều nơi thiếu các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.

Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và chưa hiệu quả. Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em. Nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thay đổi, một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Ngân sách, cơ sở vật chất dành cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Đối với Quốc hội:

a) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em;

b) Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chú trọng xem xét những vấn đề liên quan đến trẻ emphòng, chống xâm hại trẻ em trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát thường xuyên đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em;

c) Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương;

d) Các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 79 của Luật Trẻ em.

2. Đối với Chính phủ:

Yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ trẻ em bị xâm hại và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

a) Trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em;

b) Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông dành các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em nhằm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng internet, mạng xã hội; cung cấp thông tin, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho các bậc cha, mẹ học sinh;

[...]
3