Loading


Nghị quyết 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/NQ-CP
Ngày ban hành 30/01/2022
Ngày có hiệu lực 30/01/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/NQ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 01 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức vào ngày 19 tháng 01 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

Để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực; trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và triển khai tổ chức thực hiện pháp luật. Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống thể chế, chiến lược, quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động xây dựng pháp luật, tập trung vào các hoạt động quan trọng như: tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, phản biện của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; chủ động truyền thông chính sách từ khi đề xuất chính sách đến quá trình soạn thảo và ngay sau khi ban hành văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm; đánh giá đầy đủ tác động của các dự kiến chính sách đ bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Việc đề xuất các chính sách cần bám sát nhu cầu thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, có tính dự báo chính sách, có thể thí điểm một số vấn đề mới phát sinh để làm cơ sở xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập do quy định pháp luật hiện hành, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với huy động nguồn lực hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi chính sách và kiểm tra, giám sát để siết chặt kỷ cương; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với tình hình của Việt Nam. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra để trao đổi, thảo luận, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chính phủ thống nhất đổi tên dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật đường bộ và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 02 dự án Luật theo hướng sau đây:

- Đánh giá kỹ lưỡng, phân tích, giải trình thuyết phục về sự cần thiết của việc ban hành luật với đầy đủ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn; đánh giá kỹ tác động nhiều chiều, nhất là việc liên quan đến tổ chức, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; tiếp tục rà soát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật, không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực giao thông đường bộ; rà soát nội dung các dự án Luật, không quy định về tổ chức bộ máy trong dự án Luật;

- Nội dung sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cần thể hiện rõ hơn chủ trương của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quản lý đường bộ, đường cao tốc theo hướng giao cho cấp quản lý có hiệu quả hơn, kịp thời giải quyết vướng mắc và bám sát với yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm lợi ích quốc gia; việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, thông suốt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực;

- Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.

Để có đủ cơ sở xem xét bổ sung 02 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 02 dự án Luật theo các yêu cầu nêu trên, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự án Luật này.

2. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV và các bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng bị tác động để làm rõ hơn sự cần thiết xây dựng và ban hành luật; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi, có tính thuyết phục cao với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn vững chắc; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất; trình Chính phủ xem xét, quyết định dự án Luật vào thời gian thích hợp.

3. Về Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách cụ thể theo hướng:

- Rà soát các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để hoàn thiện các chính sách về nhà ở, nhất là các chính sách về: quy hoạch; chiến lược; chương trình phát triển nhà ở bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển;

- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực các bộ đáp ứng việc phân cấp; cắt giảm thủ tục hành chính;

- Hoàn thiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, để bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở;

- Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo luật, nhằm bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao.

Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp đ tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10 năm 2022.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ