Loading


Nghị quyết 66/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 66/NQ-CP
Ngày ban hành 01/07/2021
Ngày có hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 6 NĂM 2021

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức vào ngày 29 tháng 6 năm 2021,

QUYẾT NGHỊ:

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cần tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Các bộ, cơ quan cần tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp để khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng bộ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về dự án Luật cảnh sát cơ động.

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và nội dung cơ bản của dự án Luật Cảnh sát cơ động, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành, tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.

Chính phủ thống nhất về một số nội dung quan trọng của dự án Luật theo hướng:

- Không quy định trong Luật về cơ cấu tổ chức của Cảnh sát cơ động, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động bao gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh;

- Quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp Cảnh sát cơ động được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ lên tàu bay, tàu thủy;

- Phân định rõ thẩm quyền, phạm vi đối với việc ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái;

- Để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cần giao Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp trong thực thi nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động với các lực lượng chức năng khác thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng, tính khả thi và tính thống nhất với các luật có liên quan. Giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về dự án Luật tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

2. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả trong điều kiện mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế. Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật và yêu cầu chỉnh lý một số nội dung theo hướng:

- Đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ thành dự án Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi);

- Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước:

Đa số Thành viên Chính phủ thống nhất như quy định dự thảo Luật: tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ) có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia do các cơ quan Nhà nước thực hiện đăng ký.

Một số Thành viên Chính phủ thống nhất theo hướng giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ hoặc một phần kinh phí, phương tiện vật chất, kỹ thuật, thì quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước toàn bộ hoặc một phần tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của cả hai phương án trên trình Quốc hội.

- Về thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính:

Đa số Thành viên Chính phủ thống nhất như quy định dự thảo Luật: biện pháp xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Một số Thành viên Chính phủ thống nhất theo hướng giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của cả hai phương án trên trình Quốc hội.

[...]
4