Loading


Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2010 về giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% do Chính phủ ban hành

Số hiệu 18/NQ-CP
Ngày ban hành 06/04/2010
Ngày có hiệu lực 06/04/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 18/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KHÔNG ĐỂ LẠM PHÁT CAO VÀ ĐẠT TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ KHOẢNG 6,5% TRONG NĂM 2010

Năm 2010 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 đồng thời cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó nổi bật và quan trọng nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010 không chỉ có ý nghĩa quan trọng để góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và các tiền đề cho phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; thị trường trong nước phát triển tốt, doanh thu bán lẻ tăng; đầu tư phát triển được đẩy mạnh; du lịch quốc tế tăng; an sinh xã hội được bảo đảm; thu ngân sách đạt khá; giá cả có tăng so với cùng kỳ một số năm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô đã có một số biểu hiện chưa ổn định, đòi hỏi phải có những giải pháp điều chỉnh kịp thời để thực hiện được các mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010.

Để thực hiện được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 12 và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010, Chính phủ xác định phải tập trung nỗ lực huy động các nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2010.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch hội, hiệp hội ngành nghề chủ động phối hợp, cùng chịu trách nhiệm để tập trung chỉ đạo và thực hiện ngay các giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tập trung kiềm chế lạm phát

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%. Chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

- Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.

- Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế. Sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.

b) Bộ Công thương

- Rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, xi măng, thép…; tổ chức thị trường hợp lý nhằm bảo đảm hàng hoá lưu thông thuận lợi, tiết kiệm chi phí.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

- Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý thị trường và thực hiện các quy định về lưu thông hàng hoá để ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật các hiện tượng đầu cơ nâng giá, gian lận thương mại; chủ động chuẩn bị các phương án điều tiết thị trường trong trường hợp cần thiết đối với những mặt hàng thiết yếu nhằm duy trì bình ổn thị trường, giá cả; kịp thời xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý để ổn định thị trường.

c) Bộ Tài chính

- Chủ động phối hợp với Bộ Công thương, các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý điều hành giá theo đúng Pháp lệnh Giá, kiểm tra giám sát để mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành đúng các quy định về đăng ký giá, kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giá.

- Cùng với Bộ Công thương, các Bộ, cơ quan liên quan duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương rà soát cơ chế kiểm soát giá xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, rà soát lại chi phí kinh doanh, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá theo quy định, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh, đường, sữa lương thực, thép, xi măng,...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu, trước hết là việc thực hiện các quy định về quản lý giá của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

d) Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, kiểm soát giá, thực hiện các chính sách an sinh xã hội,...

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là việc kiểm tra, giám sát thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

- Tổ chức và thực hiện tốt việc minh bạch thông tin thị trường, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, triển khai các hoạt động bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra về thực hiện Pháp lệnh Giá, tăng cường quản lý giá dịch vụ để bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

đ) Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chủ động triển khai các biện pháp để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, không tăng giá bất hợp lý, tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối, khai thông thị trường, tham gia vào việc bình ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đường, sữa, xăng dầu, thép, xi măng,...

2. Thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán

[...]
1