Loading


Nghị quyết 25/NQ-HĐND năm 2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 25/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2022
Ngày có hiệu lực 08/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét các báo cáo của UBND Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 của thành phố Hà Nội với mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu cụ thể như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh công tác quy hoạch. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao điểm số và thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

2. Thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng như: GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%, Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022... (Chi tiết tại phụ lục kèm theo).

Điều 2. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; Tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững; Phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước; đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Thực hiện và tiếp tục xây dựng, ban hành các quy định theo thẩm quyền của Thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường; phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%; công khai minh bạch trong điều hành giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu. Tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ. Có các giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển KTXH của Chính phủ ưu đãi về thuế, phí, tín dụng... Giải ngân tối đa gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ và các chương trình cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch theo kế hoạch.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đán khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

2. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới

Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch: Củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch; Có giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Thành phố tại các quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025. Nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6% trở lên.

Nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch; Làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Phát huy hiệu quả tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), tại khu đô thị Nam vành đai 3, tại khu vực Hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất... Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút, tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Thủ đô. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Du lịch; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho nhân lực ngành Du lịch. Phấn đấu năm 2023 thu hút được: 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó khoảng 2,1 triệu khách có lưu trú; 19 triệu khách du lịch nội địa. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế, các website, các nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp với thông điệp xuyên suốt là "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn".

Cơ cấu lại ngành công nghiệp; Phát triển công nghiệp theo Chương trình phát triển các ngành nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2023, phấn đấu thu hút sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm công nghiệp chủ lực. 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Tiếp tục thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Củng cố, nâng cao năng lực, năng suất nội tại của các khu, cụm công nghiệp (CCN), các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn; Kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, CCN đã được thành lập, nhất là Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Chọn lọc các ngành sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao. Thực hiện có hiệu quả “Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Xây dựng và thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu và cổng thông tin kết nối doanh nghiệp công nghiệp thành phố Hà Nội; Đề án chuyển đổi số cơ sở dữ liệu CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoàn thành chỉ tiêu 100% CCN có trạm xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc gia.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Giảm diện tích trồng lúa, đồng thời tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao; Mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; Tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ. Chuyển đổi diện tích lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích trồng lúa khoảng 150 nghìn ha, sản lượng 900 nghìn tấn; trồng rau 34,33 nghìn ha, sản lượng 700 nghìn tấn (rau an toàn 14 nghìn ha, rau hữu cơ 489 ha); trồng hoa 7,5 nghìn ha; cây ăn quả 23,21 nghìn ha. Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Khôi phục, giữ ổn định tổng đàn lợn khoảng 1,6-1,8 triệu con, trong đó đàn nái 180-200 nghìn con, đàn lợn hữu cơ 13,6 nghìn con. Duy trì ổn định đàn bò sữa 15 nghìn con, sản lượng sữa trung bình 5.500-6.000kg/con/chu kỳ; đàn bò thịt 135-145 nghìn con. Tổng đàn gia cầm ổn định ở mức 38-40 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 80%; tập trung phát triển gà đẻ trứng thương phẩm, gà bản địa (gà mía, gà thả vườn, thả đồi). Rà soát lại cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh. Khuyến khích nuôi công nghiệp cá trên diện rộng và quy mô nhỏ, áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao, quy trình GAP; phấn đấu diện tích 24,5 nghìn ha, sản lượng 135 nghìn tấn. Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có theo hướng kinh doanh rừng bền vững, tăng giá trị kinh tế trên 01 ha diện tích đất trồng rừng. Tiếp tục thực hiện Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động; thực hiện theo lộ trình để đạt độ che phủ rừng là 6,2% vào năm 2025. Tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đào tạo, cấy nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Phát triển thêm các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Thực hiện hiệu quả “Liên kết 4 nhà”, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; công tác khuyến nông theo Chương trình khuyến nông Quốc gia và Thành phố. Phấn đấu có thêm 61 xã nông thôn mới nâng cao và 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung, hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung trình HĐND Thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

3. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu về gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, làng văn hóa và “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công nhân viên chức người lao động cơ quan Hà Nội”, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích, xây dựng các thiết chế văn hóa, hoàn thành đầu tư các nhà văn hóa thôn làng còn thiếu; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chủ động, tập trung cân đối bố trí đủ phần vốn ngân sách cấp huyện phải đối ứng để thực hiện các dự án đảm bảo theo tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên và thành tích các môn thể thao trọng điểm. Xây dựng kế hoạch tập huấn, đảm bảo lực lượng vận động viên sẵn sàng, phấn đấu đạt thành tích cao nhất tại các giải thi đấu.

Tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, 9 giải pháp trọng tâm ngành giáo dục. Có giải pháp cụ thể thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch xây dựng, thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, công nhận lại trường chuẩn quốc gia đúng hạn; công nhận mới 81 trường và công nhận lại 50 trường đạt chuẩn quốc gia; công nhận thêm 03 trường công lập chất lượng cao. Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học; thực hiện hiệu quả mô hình “trường học kết nối”; có thêm 05 trường điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhân viên; rà soát bổ sung trang thiết bị, phương tiện, điều kiện dạy và học đảm bảo đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình. Thực hiện tốt công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Ưu tiên phát triển các ngành nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực mũi nhọn như: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, số hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics... Phấn đấu đào tạo cho khoảng 230 nghìn lượt lao động.

Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Chăm lo sức khỏe cho người dân. Duy trì tốt hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm. Làm tốt công tác tuyên truyền, tiêm chủng để phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là Covid-19, sốt xuất huyết... Duy trì tiêm chủng theo tuần tại các trạm y tế. Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động, mô hình về: Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Các hoạt động thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Phấn đấu tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%. Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn 45%. Nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người dân về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, từng bước tiến tới kiểm soát một số bệnh không lây nhiễm. Ít nhất 50% số người mắc tăng huyết áp được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn. Ít nhất 50% người mắc đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, tăng sự hài lòng của người dân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện bệnh án điện tử tại các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành Y tế; Mở rộng phạm vi các bệnh viện tham gia Đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế; Đẩy mạnh liên thông xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh; Duy trì quản lý mạng lưới các nhà thuốc bằng ứng dụng công nghệ thông tin; từng bước xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khối y tế cơ sở. Phấn đấu tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đạt trên 70%; Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 45%; Tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 87 %, phấn đấu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân. Đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp bệnh viện: Đa khoa Thường Tín; Nhi Hà Nội; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa Sơn Tây. Thực hiện nâng cấp các bệnh viện: Tâm thần Hà Nội; Đa khoa Thạch Thất. Xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2; Trung tâm Pháp y Hà Nội. Tăng cường công tác xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện theo quy hoạch.

Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống của Nhân dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách trợ giúp xã hội, các giải pháp khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. Quan tâm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, giáo viên. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát triển thị trường lao động; phấn đấu giải quyết việc làm cho 162 nghìn lao động. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ