Loading


Nghị quyết 46/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 46/NQ-CP
Ngày ban hành 31/03/2023
Ngày có hiệu lực 31/03/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 3 NĂM 2023

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 27 tháng 03 năm 2023,

QUYẾT NGHỊ:

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Chính phủ đánh giá cao các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật, đề xuất nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách, nhạy cảm để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã tổ chức các Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để cho ý kiến, thông qua nhiều đề nghị xây dựng luật, dự án Luật, dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2023 và thời gian tiếp theo.

Trong thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, cần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tăng cường thực hiện nhiệm vụ lập pháp của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều đột phá về thể chế để sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung các quy định về các vấn đề mới. Với thời gian chuẩn bị gấp rút, khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao về thủ tục và chất lượng để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5 năm 2023, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện các hồ sơ văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, gửi văn bản góp ý kịp thời, có trách nhiệm, trao đổi kỹ lưỡng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau để nâng cao chất lượng dự thảo văn bản khi trình cấp có thẩm quyền. Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn để lắng nghe, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì thể chế hóa; các vấn đề mới, nếu cần thì thí điểm thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản, trình cấp có thẩm quyền quyết định, cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông chính sách, làm rõ nội dung, lý do các đề xuất chính sách đến người dân, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.

Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, phối hợp để hoàn thiện khung pháp lý phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các bộ, cơ quan cần triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đáp ứng các yêu cầu về công tác xây dựng pháp luật: phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ, vì lợi ích chung của quốc gia, công khai, minh bạch, hội nhập, bền vững kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp chế, bố trí kinh phí, nguồn lực để hỗ trợ công tác này.

Để chuẩn bị cho Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật này, các Bộ, cơ quan: Công an, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên chủ động xây dựng các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội gồm: Dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi):

Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế của Luật Căn cước công dân năm 2014; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay và thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong các giao dịch phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật như sau:

- Về tên gọi của Luật: Thống nhất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

- Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 17 dự thảo Luật): Thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

- Về cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi (Điều 20 dự thảo Luật); về tích hợp thông tin (Điều 23 dự thảo Luật); về quy định chuyển tiếp (Điều 46 dự thảo Luật); ... cần tiếp tục đánh giá tác động, rà soát, nghiên cứu kỹ, bảo đảm khả thi, tránh gây xung đột với pháp luật liên quan. Quy định trong luật những nội dung có tính ổn định, thống nhất cao; những nội dung mới, còn biến động thì giao Chính phủ quy định bảo đảm linh hoạt trong điều hành và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế liên quan để có quy định phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam và sự phát triển của công nghệ trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi sử dụng căn cước trong các giao dịch; bảo đảm bí mật đời tư, bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định. Giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Căn cước.

2. Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Chính phủ đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bám sát, thể hiện được các nội dung, yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 21 tháng 11 năm 2021 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về nội dung Kỳ họp thứ 3; các định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2022; cụ thể các định hướng, chiến lược tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Việc xây dựng dự án Luật này phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng và các yêu cầu, định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên.

- Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật này; các quy định của Luật phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; nâng cao vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

[...]
4