Loading


Nghị quyết 57/NQ-HĐND năm 2024 chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khóa XII

Số hiệu 57/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 10/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Dương Văn Trang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7 HĐND TỈNH KHÓA XII

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;

Căn cứ kết quả chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với nội dung trả lời chất vấn đối với 08 vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân nêu ra[1], đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao và các cam kết, lời hứa khắc phục các hạn chế, yếu kém mà lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trình bày tại kỳ họp.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả lời hứa và cam kết với Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm tạo chuyển biến thật sự, rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, trong đó lưu ý triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Về hỗ trợ đánh giá, công nhận lại quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP; tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô sản xuất và tăng chất lượng, sản lượng sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP; kịp thời thông báo cho các chủ thể biết được thời hạn có hiệu lực còn lại của sản phẩm OCOP; đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng lại để không bị gián đoạn trong việc sử dụng chứng nhận sản phẩm OCOP.

- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm đã được công nhận OCOP lồng ghép trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình khuyến nông, khuyến công[2]... Trên cơ sở đó, sản phẩm mới tiếp tục được duy trì và phát triển đáp ứng yêu cầu tiêu chí mới khi tham gia đánh giá lại.

- Tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định đối với những sản phẩm hết thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

2. Về trợ cấp gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ[3]

- Chỉ đạo cơ quan tham mưu và các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm việc đề xuất UBND tỉnh "giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Dự án về trợ cấp gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức cấp gạo cho từng hộ gia đình trong vùng dự án theo định kỳ 03 tháng một lần tại mỗi cấp thôn, bản làng nơi hộ gia đình cư trú[4] khi đang còn nhiều vướng mắc, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện (nêu tại Văn bản số: 2482/SNN-KH ngày 08/7/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh).

- Chỉ đạo rà soát, nghiên cứu các quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp và các văn bản khác có liên quan... Sớm triển khai thực hiện việc hỗ trợ gạo cho người dân trồng rừng, không được chậm trễ trong thực hiện chính sách này.

3. Về bồi thường, giải phóng mặt bằng

- Cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề, yếu tố có tính quyết định đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và chủ đầu tư trong từng dự án cụ thể để có hành động quyết liệt, bảo đảm cho các dự án đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Trước mắt, cần rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng chậm giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh; kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này nhưng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

- Định kỳ hằng năm, có nhận xét, đánh giá và xem xét nghiêm túc trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan đến việc không hoàn thành đúng tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.

- Tập trung hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của địa phương khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

4. Về chỉ tiêu thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Để phát triển doanh nghiệp đạt chỉ tiêu Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, bên cạnh việc tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thuận lợi và minh bạch, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tập trung nguồn lực cần thiết và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành sớm nhất các quy hoạch phân khu, các cụm công nghiệp, trước hết là quy hoạch phân khu và cụm công nghiệp ở "vùng lõi", trung tâm các vùng kinh tế động lực của tỉnh để thu hút nhiều nhất các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.

- Chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị để kịp thời xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, kết hợp hiệu quả giữa hình thức tiếp nhận trực tuyến và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp.

- Chủ động, tích cực trong triển khai tiếp nhận hồ sơ không phân biệt địa giới hành chính đối với các thủ tục hành chính; tiến tới thực hiện 100% thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không phân biệt địa giới hành chính.

5. Về bảo vệ môi trường trong các trang trại chăn nuôi

- Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát điều chỉnh, bổ sung Danh mục các dự án chăn nuôi cần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được ban hành, trong đó: Danh mục từng dự án chăn nuôi cần làm rõ các yêu cầu về mức độ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong chăn nuôi; xử lý chất thải đảm bảo môi trường; tính liên kết của dự án gắn với sản xuất, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm; mức độ đóng góp của dự án với ngân sách nhà nước và cộng đồng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch chăn nuôi, tránh tình trạng dự án chăn nuôi tự phát không theo quy hoạch.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ