Loading


Nghị quyết 69/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019 do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 69/NQ-CP
Ngày ban hành 13/09/2019
Ngày có hiệu lực 13/09/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/NQ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2019

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019, tổ chức vào ngày 04 tháng 9 năm 2019,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực thể hiện sự nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp; các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kinh tế vi mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,57%, thấp nhất 3 năm gần đây. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 13,3% so với cuối năm 2018. Xuất khẩu tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9%, cao hơn khu vực nước ngoài (tăng 4,6%); xuất siêu tăng cao, ước đạt 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 70,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ, đặc biệt thu nội địa tăng gần 14%. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 12 tỷ USD, tăng 6,3%; giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn duy trì đà phát triển; sản lượng thủy sản tăng 5,4%, đàn gia cầm tăng 10%. Sản xuất công nghiệp tăng 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8 ngành khai khoáng tăng mạnh, đạt 14,4%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; có gần 90,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,5%; số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 31%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%. Khách quốc tế đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường được quan tâm. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tích cực hưởng ứng, vận động tham gia chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo". Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền được tổ chức sôi nổi, rộng khắp nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, kiên trì, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta còn những hạn chế, tồn tại và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch tả lợn Châu Phi, giá nông sản xuống thấp và thiên tai, nắng nóng, lũ lụt, sạt lở đất diễn biến phức tạp. Công nghiệp chế biến, chế tạo chưa tạo được bứt phá; sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn. Tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực, văn hóa ứng xử ở một số nơi chậm được khắc phục. Tình hình an ninh trật tự, cháy, nổ, tai nạn giao thông trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp.

Nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới để kịp thời có đối sách hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quyết liệt hơn nữa trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách, bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

a) Về tiến độ những dự án, công trình hạ tầng trọng điểm:

- Về các dự án điện: Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2..., bảo đảm tiến độ hoàn thành, cụ thể:

+ Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1: Bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và Tổ máy 2 vào quý III năm 2021.

+ Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12 năm 2020 và Tổ máy 2 vào quý I năm 2021.

+ Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1: Đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2019.

+ Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1: Bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành tháng quý II năm 2021 và Tổ máy 2 vào quý III năm 2021.

- Về các dự án hạ tầng giao thông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng dự án, công trình quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2019; chịu trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; đặc biệt là tập trung khắc phục các vướng mắc do thủ tục, làm rõ trách nhiệm của Bộ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban quản lý dự án, Nhà thầu và địa phương liên quan; đồng thời xử lý những tồn tại của một số công trình, dự án đang triển khai dở dang; trong đó:

+ Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về tiến độ khởi công 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sau khi cấp có thẩm quyền có chỉ đạo chính thức hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm cơ bản hoàn thành các dự án vào năm 2021 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng trì trệ, chậm tiến độ đề ra.

+ Đối với Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 02 tháng 8 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.

+ Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6334/VPCP-QHQT ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ; chủ động biện pháp xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nếu vượt thẩm quyền, không để tình hạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.

+ Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định Nhà nước, khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 8.

+ Đối với Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm liên quan về tiến độ trình, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6557/VPCP-CN ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.

+ Đối với việc sửa chữa khắc phục hư hỏng của hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trong tháng 11 năm 2019; chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra các vấn đề về mất an toàn hàng không do nguyên nhân từ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn.

+ Rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư các cảng hàng không, phân loại, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp đối với từng cảng để công bố danh mục cảng kêu gọi đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2019.

- Về dự án xây dựng Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam: Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, bảo đảm hoàn thành, đưa vào sử dụng đầy đủ các công năng trong năm 2020.

[...]
7