Loading


Nghị quyết 61/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2019 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 61/NQ-CP
Ngày ban hành 14/08/2019
Ngày có hiệu lực 14/08/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/NQ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 8 NĂM 2019

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức vào ngày 05 tháng 8 năm 2019,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật:

Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết; nghiên cứu tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi hoàn thiện dự án, dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tư pháp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật. Tại Phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến về việc cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự án, dự thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ

2. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Đây là dự án Luật rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong việc hoàn thiện khung pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức liên quan, về quy trình soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung sau:

a) Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội theo hướng:

- Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết;

- Các cơ quan thẩm tra của Quốc hội phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; thẩm tra báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết xây dựng. Trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

b) Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo hướng: bỏ yêu cầu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vướng mắc, bất cập khác của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019 để trình Quốc hội.

3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp:

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành và thông qua dự án Luật với phạm vi sửa đổi tập trung vào vấn đề tăng cường công tác giám định phục vụ yêu cầu phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và với các nội dung chính sau: bổ sung quy định liên quan đến thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra; bổ sung quy định về “phân tuyến” trong trưng cầu và thực hiện giám định.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật và các quy định của pháp luật về tố tụng có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019 để trình Quốc hội.

4. Về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi):

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng, ban hành Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên; hoàn thiện các chính sách, bảo đảm thiết thực, tạo điều kiện và động lực phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật và yêu cầu chỉnh lý một số nội dung của dự án Luật theo hướng sau đây:

- Tiếp tục kế thừa các quy định về tổ chức thanh niên trong Luật Thanh niên hiện hành, đồng thời quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của từng tổ chức, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ;

- Dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về trách nhiệm của Bộ, các cơ quan ngang bộ trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên, đặc biệt là trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực thanh niên, với tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên;

- Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển thanh niên có tài năng để thanh niên có điều kiện phát huy thế mạnh của mình;

[...]
1