Loading


Nghị quyết 97/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 06 năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 97/NQ-CP
Ngày ban hành 24/06/2024
Ngày có hiệu lực 24/06/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/NQ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 06 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 13 tháng 06 năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều thời gian, nguồn lực, đổi mới tư duy, thực hiện đột phá chiến lược về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, tuần hoàn, chia sẻ, các ngành công nghiệp mới, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; Chính phủ đã tổ chức 26 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vào tháng 9 năm 2021; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 350 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 85 quyết định quy phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng “hành lang pháp lý” đầy đủ, tạo cơ sở cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, anh ninh, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới phương thức lấy ý kiến Nhân dân, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cơ quan, tổ chức có liên quan; tiếp thu đầy đủ, cầu thị các ý kiến góp ý và công khai, minh bạch việc giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý.

Nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và sự biến động “khó lường” của bối cảnh, tình hình quốc tế; tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; các vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ thì quy phạm hóa thành các nội dung của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các vấn đề chưa ổn định, cần sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện thì giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự điều hành linh hoạt của Chính phủ; thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính đi đôi với bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện; áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quản lý nhà nước, không tạo môi trường nảy sinh các hiện tượng “sách nhiễu”, cơ chế “xin - cho”... nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Trường hợp cần thiết phải quy định tại dự thảo luật các cơ chế, chính sách có nội dung khác so với luật hiện hành thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật đó ngay trong dự thảo Luật; quy định rõ nguyên tắc áp dụng luật khi dự thảo luật và luật hiện hành có quy định về cùng một nội dung.

Đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7: Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực về nhân lực và tài chính cho việc này. Đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, sau khi được Chính phủ thông qua, các Bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định, có thể gửi sớm hồ sơ tới các cơ quan của Quốc hội để có thời gian trao đổi, thống nhất về nội dung chính sách, nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm tính thống nhất, liên tục, xuyên suốt, không có khoảng trống pháp lý trong áp dụng pháp luật; cần chủ động soạn thảo văn bản quy định chi tiết ngay trong quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 quyết định thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một số Bộ trưởng, Trưởng ngành là thành viên để chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác được nêu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng tháng 6 năm 2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 03 dự án Luật, 03 Đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Chính phủ biểu dương các Bộ: Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế đã tích cực chuẩn bị đầy đủ hồ sơ các dự án Luật, Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế[1]; bảo đảm an toàn hóa chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Hóa chất hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) với các yêu cầu cụ thể sau:

- Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông về dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan; quy định rõ nguyên tắc áp dụng Luật Hóa chất trong trường hợp Luật Hóa chất và Luật khác có quy định về cùng một nội dung. Làm rõ mối quan hệ giữa chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất tại dự thảo Luật với quy định của Luật Quy hoạch và phù hợp với các định hướng của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, trường hợp cần thiết thì đề xuất sửa đổi quy định có liên quan tại Luật Hóa chất; quy định về khu công nghiệp hóa chất tại dự thảo Luật trên nguyên tắc kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật hiện hành, có các đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển khu công nghiệp của Chính phủ.

- Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện. Rà soát các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, không phát sinh các “khâu trung gian”, phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính không hợp lý, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp; không hợp thức hóa sai phạm trong quản lý nhà nước (nếu có). Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về hóa chất theo nguyên tắc “một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện”; không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hóa chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất và Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý hoạt động hóa chất.

- Rà soát các quy định về hóa chất tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật; đối với các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, áp dụng ổn định thì pháp điển thành các quy định của Luật. Dự thảo Luật chỉ quy định giao Chính phủ, các Bộ ban hành văn bản quy định chi tiết đúng với tính chất “ủy quyền lập pháp” về các vấn đề chưa có tính ổn định cao, cần tiếp tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện hoặc các vấn đề mang tính kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết quy định trong luật; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không giao quy định chi tiết, Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quản lý hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất. Rà soát, hoàn thiện quy định về “điều khoản chuyển tiếp” tại dự thảo Luật, bảo đảm việc áp dụng luật được liên tục, thống nhất khi Luật này có hiệu lực và thay thế Luật Hóa chất năm 2007, không phát sinh nghĩa vụ của các chủ thể về thực hiện thủ tục hành chính trái quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không có khoảng trống pháp lý trong áp dụng pháp luật về hóa chất.

- Hồ sơ dự án Luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa các quy định của Luật hiện hành, những quy định được sửa đổi, bổ sung. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản cụ thể tại dự thảo Luật.

- Về các nội dung còn ý kiến khác nhau:

+ Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm:

Chính phủ thống nhất về nguyên tắc cần có cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Tuy nhiên, không thể ưu đãi tràn lan, phải tiết kiệm nguồn lực để đạt hiệu quả cao nhất; Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng các quy định chung về điều kiện hưởng chế độ ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án hóa chất trọng điểm, giao Chính phủ quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, cá nhân, tổ chức có liên quan, kết hợp với hoạt động thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả của các dự án đó.

+ Về khai báo hóa chất nhập khẩu:

Chính phủ thống nhất về nguyên tắc việc cần chủ động có thông tin về các hóa chất nguy hiểm, hóa chất mới, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế khai báo, không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu; các cơ sở dữ liệu về danh mục hóa chất cấm, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất đã có thông tin về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh... phải được thường xuyên cập nhật, thống kê, công khai, chia sẻ, bảo đảm sự quản lý thống nhất, từ đó xác định phạm vi các hóa chất phải khai báo, bao gồm các hóa chất nguy hiểm, hóa chất mới, lần đầu tiên nhập khẩu về Việt Nam.

[...]
1