Loading


Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000

Số hiệu 30/2000/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 28/12/2000
Ngày có hiệu lực 01/04/2001
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2000/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 30/2000/PL-UBTVQH10 NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2

Bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và mọi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 3

Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch nhà nước.

Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương 2:

PHẠM VI BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 4

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Điều 5

Bí mật nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tuyệt mật:

1. Chiến lược an ninh quốc gia; kế hoạch phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

2. Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không công bố hoặc chưa công bố.

Những tin của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật;

3. Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián do Chính phủ quy định;

4. Mật mã quốc gia;

5. Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố; kế hoạch phát hành tiền, khoá an toàn của từng mẫu tiền và các loại giấy tờ có giá trị như tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

6. Khu vực, địa điểm cấm; tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật.

Điều 6

Bí mật nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tối mật:

[...]
5