Loading


Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 33-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 29/03/1990
Ngày có hiệu lực 01/06/1990
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 1990

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 33-LCT/HĐNN8 NGÀY 29/03/1990 VỀ THANH TRA

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa;
Căn cứ vào Điều 100 và Điều 107 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định tổ chức, hoạt động thanh tra.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý Nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý Nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trong phạm vi chức năng của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện các quyết định của mình và thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước của các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức hữu quan và cá nhân có trách nhiệm (gọi chung là cơ quan, tổ chức và cá nhân) nhằm phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa, xử lý các vi phạm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Điều 2

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra; xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chịu trách nhiệm về công tác thanh tra trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khi cần thiết, Hội đồng Nhà nước cử các đoàn kiểm tra hoặc thành lập Uỷ ban lâm thời để xem xét các vụ, việc nhất định.

Điều 3

Hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước bao gồm:

1- Thanh tra Nhà nước;

2- Thanh tra Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng;

3- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương;

4- Thanh tra Sở;

5- Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Chức năng thanh tra Nhà nước ở xã, phường, thị trấn do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trực tiếp đảm nhiệm.

Thanh tra Nhà nước chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng; các tổ chức thanh tra Nhà nước khác chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cùng cấp và sự chỉ đạo của tổ chức thanh tra Nhà nước cấp trên.

Điều 4

Các tổ chức thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, đơn vị sản xuất, kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp để thực hiện giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước tại địa phương, đơn vị, cơ quan mình.

Trong phạm vi chức năng của mình, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nhân dân và cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp với các tổ chức thanh tra Nhà nước trong hoạt động thanh tra.

Điều 5

Hoạt động thanh tra chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời.

Không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra.

Điều 6

1- Trong phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải thực hiện yêu cầu liên quan đến hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức thanh tra và thanh tra viên hoàn thành nhiệm vụ.

[...]
1