Loading


Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 28-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 30/11/1989
Ngày có hiệu lực 01/01/1990
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1989

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 28-LCT/HĐNN8 NGÀY 07/12/1989 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Để đấu tranh phòng và chống các vi phạm hành chính, giữ vững trật tự xã hội, tăng cường kỷ luật Nhà nước, pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước ;
Căn cứ vào Điều 12 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc xử phạt việc vi phạm hành chính.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Vi phạm hành chính.

Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm quy tắc quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

Hội đồng bộ trưởng quy định các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong phạm vi thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh này.

Điều 2: Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức và biện pháp xử lý.

1- Căn cứ vào luật, pháp lệnh, Hội đồng bộ trưởng quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp hành chính khác áp dụng đối với từng loại hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

2- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành các quy định của luật, pháp lệnh và văn bản của Hội đồng bộ trưởng về xử phạt vi phạm hành chính.

3- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, căn cứ vào văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và đặc điểm cụ thể của địa phương, quy định các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ở địa phương ; hình thức xử phạt và các biện pháp cưỡng chế khác đối với các hành vi đó, trừ các hành vi đã được các cơ quan Nhà nước cấp trên quy định. Các quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp hành chính khác của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương không được trái với các quy định của Pháp lệnh này.

Điều 3: Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong xử phạt vi phạm hành chính.

1- Không một cá nhân, tổ chức nào bị xử phạt vi phạm hành chính ngoài những căn cứ và thủ tục được pháp luật quy định.

2- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

3- Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt, của các cơ quan, tổ chức khác và mọi công dân.

4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền giám sát, phát hiện và tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 4: Nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính.

1- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có nhiệm vụ giáo dục mọi người thuộc cơ quan, tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong cơ quan, tổ chức mình.

2- Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải thường xuyên tổ chức thống kê, tổng kết thực tiễn về xử phạt vi phạm hành chính, đề ra những biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

3- Mọi công dân đều có nghĩa vụ tích cực đấu tranh phòng, chống các vi phạm hành chính.

Điều 5: Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

1- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh này.

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng công an nhân dân, nếu thực hiện vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với các công dân khác; trong trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng một số loại giấy phép thì cơ quan xử phạt không trực tiếp xử phạt mà chuyển hồ sơ cho cơ quan, đơn vị nơi họ phục vụ hoặc nơi sảy ra vi phạm để xử lý theo Điều lệnh kỷ luật.

2- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế (dưới đây gọi chung là tổ chức), nếu thực hiện vi phạm hành chính thì bị phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định tại Điều 11 và các biện pháp hành chính khác quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này.

3- Cá nhân, tổ chức nước người thực hiện vi phạm hành chính trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt như đối với công dân, tổ chức Việt Nam ; cá nhân, tổ chức nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao, các quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự và các quyền ưu đãi, miễn trừ khác theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận thì việc xử lý vi phạm hành chính được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều 6: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.

1- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời, xử lý công minh, nhanh chóng, theo đúng pháp luật.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ