Loading


Quy định 4148-QĐ/VPTW năm 2019 về viết hoa, phiên âm trong các văn bản ở Văn phòng Trung ương Đảng do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 4148-QĐ/VPTW
Ngày ban hành 27/09/2019
Ngày có hiệu lực 27/09/2019
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 4148-QĐ/VPTW

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2019

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIẾT HOA, PHIÊN ÂM TRONG CÁC VĂN BẢN Ở VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

- Căn cứ Quyết định số 171-QĐ/TW, ngày 16/01/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng;

- Căn cứ Quy định số 66-QĐ/TW, ngày 06/02/2017 của Ban Bí thư khoá XII về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng; Hướng dẫn số 36-HD/VPTW, ngày 03/4/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của Đảng;

- Căn cứ Thông tư số 01/2011/TT-BNV, ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;

- Căn cứ Quy định số 3955-QĐ/VPTW, ngày 06/8/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác văn thư ở Văn phòng Trung ương Đảng;

- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn thư,

Văn phòng Trung ương Đảng quy định về viết hoa, phiên âm trong các văn bản ở Văn phòng Trung ương Đảng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định về cách viết hoa, phiên âm trong các văn bản ở Văn phòng Trung ương Đảng (bao gồm văn bản do Văn phòng Trung ương Đảng, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, đoàn thể của Văn phòng Trung ương Đảng phát hành); được áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.

Văn bản tiếng nước ngoài, văn bản chuyên ngành không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Yêu cầu trong cách viết hoa, phiên âm:

- Đúng ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông.

- Bảo đảm không làm thay đổi ý nghĩa, nội dung và giá trị của văn bản.

- Bảo đảm tính thẩm mỹ của văn bản.

- Thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác soạn thảo văn bản.

- Phiên âm phải phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về cách phiên âm tên riêng nước ngoài. Trong trường hợp tên riêng nước ngoài chưa được quy định trong Quy định này hoặc chưa thống nhất cách phiên âm thì để nguyên dạng theo tiếng La-tinh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIẾT HOA, PHIÊN ÂM

Điều 3. Quy định về viết hoa

1. Viết hoa vì phép đặt câu

Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết trong các trường hợp sau: Đầu dòng văn bản; đầu câu sau dấu chấm (.) khi bắt đầu một câu mới; đầu câu sau dấu chấm hỏi (?); đầu câu sau dấu chấm than (!); đầu câu trong ngoặc kép (khi trích dẫn nguyên văn câu của tác giả, tác phẩm, nghị quyết, chỉ thị...); sau dấu hai chấm (:) của các đề mục/vấn đề (có thể xuống dòng hoặc không xuống dòng).

2. Viết hoa tên người

2.1. Tên người thông thường (bao gồm cả họ tên thật, tên tự, tên hiệu, chữ đệm, bí danh v.v...): Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng dấu gạch nối.

Ví dụ: Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Du (tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên), Vũ Thơ (tức Lê Vũ Can), Tráng A Pao, Lò Văn Puốn, Chamaléa Điêu, Ksor Phước, Y Vêng, Niê Thuật...

2.2. Tên người được kết hợp bởi một danh từ chung với một danh từ riêng chỉ tên gọi: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.

[...]
2