Loading


Quyết định 08/2024/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/2024/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/06/2024
Ngày có hiệu lực 15/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2024/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỌC VIỆN NGOẠI GIAO TRỰC THUỘC BỘ NGOẠI GIAO

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Học viện Ngoại giao là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng: Nghiên cứu chiến lược; đào tạo đại học và sau đại học; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham mưu và tư vấn cho Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Học viện Ngoại giao có tư cách pháp nhân và tài khoản riêng, được sử dụng con dấu có hình Quốc huy, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội, tên giao dịch tiếng Anh là Diplomatic Academy of Viet Nam, viết tắt là DAV.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Học viện Ngoại giao (sau đây gọi là Học viện) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Về nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách:

a) Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và dự báo chiến lược về các vấn đề khu vực và quốc tế có tác động đến môi trường, hoạt động đối ngoại và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;

b) Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học cho Bộ Ngoại giao trong việc hoạch định, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại và các lĩnh vực khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và khi được yêu cầu;

c) Nghiên cứu, tuyên truyền, đào tạo về lịch sử và truyền thống ngoại giao Việt Nam;

d) Tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;

đ) Hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến môi trường, hoạt động đối ngoại và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;

e) Tư vấn, tổng hợp và làm đầu mối trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ Ngoại giao.

2. Về đào tạo đại học và sau đại học:

a) Mở các ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học phục vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện của đất nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của Học viện và quy định của pháp luật;

b) Phát triển các chương trình đào tạo, xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn với quy mô, hình thức và phương pháp đa dạng, tiên tiến và hiện đại;

c) Áp dụng các chuẩn mực tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức thực hiện các quy trình kiểm định chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Tổ chức tuyển sinh, đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo, công nhận và cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bằng, chứng chỉ khác trong lĩnh vực đào tạo, theo quy định của pháp luật;

đ) Liên kết đào tạo theo các hình thức phù hợp với các học viện, trường đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

e) Tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao và thẩm mỹ; giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức của người học về việc chấp hành pháp luật, các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội.

3. Về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thông qua chương trình, kế hoạch hằng năm và tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;

[...]
3