Loading


Quyết định 1236/QĐ-BTP năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1236/QĐ-BTP
Ngày ban hành 29/06/2023
Ngày có hiệu lực 29/06/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1236/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC  CỦA VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật; thực hiện công tác đối ngoại về nhân quyền của Bộ; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại của Bộ theo quy định của pháp luật và của Bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Hợp tác quốc tế (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, đề án, chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật để Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng, các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật và văn bản khác theo phân công của Lãnh đạo Bộ.

3. Xây dựng các dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật của Bộ (bao gồm cả điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi) để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký kết hoặc quyết định đàm phán, ký kết theo thẩm quyền.

4. Đề xuất gia nhập các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ với Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO) và các quốc gia thành viên IDLO; tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế theo sự phân công của Bộ trưởng.

5. Thẩm định, góp ý xây dựng dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:

a) Thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế (bao gồm cả điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ) về hợp tác với nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật; dự thảo điều ước quốc tế về quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế;

b) Góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (bao gồm cả điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ) về hợp tác với nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật, về quan hệ hợp tác chung giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

6. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và các văn bản khác trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

7. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

8. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.

9. Về công tác quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật:

a) Là đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức vận động, điều phối ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và viện trợ không hoàn lại không thuộc ODA trong hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật;

b) Thẩm định văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình, dự án với nhà tài trợ nước ngoài về cải cách tư pháp và pháp luật; cho ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản theo quy định;

c) Chuẩn bị ý kiến trình Lãnh đạo Bộ hoặc cho ý kiến theo ủy quyền đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền; cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;

d) Quản lý hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật;

đ) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật; tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

10. Về thực hiện đầu mối công tác đối ngoại về nhân quyền của Bộ:

a) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966; tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền của Công ước;

b) Thực hiện vai trò đầu mối về đối ngoại của Bộ Tư pháp liên quan đến các điều ước quốc tế về quyền con người sau đây: Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); Công ước về Quyền trẻ em (CRC); Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT); cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR);

c) Thực hiện vai trò đầu mối của Bộ Tư pháp trong Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, tham gia đối thoại nhân quyền với nước ngoài và tổ chức quốc tế, trả lời kháng thư.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ