Loading


Quyết định 1576/QĐ-BTP năm 2010 phê duyệt Kế hoạch sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1576/QĐ-BTP
Ngày ban hành 01/06/2010
Ngày có hiệu lực 01/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1576/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SƠ KẾT 06 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 833/QĐ-BTP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2010;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ VĐCXDPL.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

KẾ HOẠCH SƠ KẾT

06 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1576/QĐ-BTP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2004 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 122/2004/NĐ-CP) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Sau 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, công tác pháp chế đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các tổ chức pháp chế đã được thành lập và hoạt động ở hầu hết các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế và các thiết chế nhà nước trong giai đoạn mới, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/3/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Nghị định số 122/2004/NĐ-CP không còn phù hợp và đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế cần được tiếp tục kiện toàn nâng cao năng lực xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP nhằm làm rõ những nguyên nhân tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm hạn chế về tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế để đảm bảo cho việc xây dựng Nghị định thay thế được tốt hơn.

Căn cứ Chương trình công tác năm 2010 của Chính phủ, thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Ngành Tư pháp năm 2010, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế, xác định các yêu cầu thực tiễn đặt ra trong điều kiện mới, làm cơ sở xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tạo sự chuyển biến đột phá nhằm nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Đánh giá tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế (như Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ; quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…).

b) Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, cụ thể:

- Việc thành lập và cơ cấu tổ chức của các tổ chức pháp chế;

- Hoạt động của các tổ chức pháp chế trên cơ sở các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định (từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra văn bản, thực hiện pháp luật…);

- Biên chế, cán bộ, chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác pháp chế, kinh phí hoạt động và các điều kiện đảm bảo khác.

c) Xác định và phân tích được những điểm bất cập trong các quy định của pháp luật; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, xác định và phân tích các nguyên nhân tồn tại dẫn đến những điểm bất cập, những khó khăn, vướng mắc.

d) Xác định và phân tích các yêu cầu mới đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền; thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW), chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và trực tiếp là trong bối cảnh kiện toàn, củng cố về tổ chức và nâng cao vị trí, vai trò của các thiết chế nhà nước; nhất là khi các cơ quan tư pháp nói chung và tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương nói riêng đang được giao thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn mới như theo dõi thi hành pháp luật, quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật…

đ) Đề xuất các giải pháp, những kiến nghị, định hướng cho việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP.

[...]
2