Loading


Quyết định 1874/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1874/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/10/2014
Ngày có hiệu lực 13/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1874/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ

Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.

Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tầu biển... Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo.

Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung còn là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, và là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất đối với các địa phương thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược biển Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020; đảm bảo thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

2. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng về vị trí địa kinh tế - chính trị, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển và giá trị văn hóa của các địa phương trong vùng để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp có lợi thế và dịch vụ, du lịch chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế gắn với phát triển hệ thống đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách với các vùng Kinh tế trọng điểm khác trên cả nước.

3. Phát huy nhân tố con người, coi đó là nguồn lực phát triển quan trọng của vùng. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao có cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.

4. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các khu vực và giữa các đồng bào dân tộc trong Vùng.

5. Phát triển bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ tài nguyên nước, rừng, môi trường biển và ven biển, hướng tới biển xanh. Gắn chặt phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của quốc gia. Tăng cường khả năng phòng chống thiên tai bão lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu đến năm 2020:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tình trạng sức khỏe được cải thiện căn bản; chủ quyền biển, đảo của đất nước được bảo vệ vững chắc; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, môi trường sống được đảm bảo không bị ô nhiễm; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về kinh tế

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/ năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng, tương đương 3.600 USD bằng khoảng 1,1 - 1,2 lần mức bình quân đầu người của cả nước. Quy mô GDP của vùng năm 2020 gấp khoảng 2,3 lần năm 2010 (tính theo giá so sánh).

+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP tăng lên 44,5% năm 2015 và 45% năm 2020; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng lên 40,5% năm 2015 và 43% năm 2020; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP giảm xuống 15% vào năm 2015 và 12% năm 2020. Phấn đấu tăng mức đóng góp của vùng trong thu ngân sách của cả nước lên 6,5% vào năm 2015 và 7,5% năm 2020; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2020 còn khoảng 31,4%.

+ Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt bình quân khoảng 18%/năm đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 giữ nhịp tăng trưởng của xuất khẩu trên mức 20%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20 - 25%/năm.

- Về văn hóa - xã hội.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ