Loading


Quyết định 2100/QĐ-TTg năm 2015 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2100/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/11/2015
Ngày có hiệu lực 28/11/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2100/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII: số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; số 101/2015/QH13 ngày 14 tháng 11 năm 2015 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 (theo biểu đính kèm).

2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2016: Dự toán chi trả nợ; chi thực hiện các chế độ đối với con người đã được ban hành (trợ cấp một lần đối với dân công hỏa tuyến; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách nội trú, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với con người khi điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020,...); chi đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế và thuê đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia; hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hướng dẫn và bổ sung kinh phí phát sinh thêm do chênh lệch tỷ giá thực tế với tỷ giá tính dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

3. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

4. Giao Bộ Tài chính:

- Thu hồi vốn đầu tư ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

- Thu hồi kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước phát sinh sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn viện trợ này và thông báo cho các Bộ, địa phương triển khai thực hiện.

Điều 2. Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các chỉ tiêu sau:

1. Dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

3. Dự toán chi bổ sung có mục tiêu (vốn sự nghiệp) từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo từng mục tiêu, nhiệm vụ và mức dự toán đã được Quốc hội quyết định.

4. Dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

5. Dự toán chi thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Điều 3. Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu sau:

1. Giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương kinh phí đào tạo học sinh, sinh viên Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam theo diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án từ nguồn vốn hỗ trợ hợp tác. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2015 phân bổ và giao dự toán kinh phí đào tạo đối với số học sinh, sinh viên diện Hiệp định đang có mặt; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án đủ điều kiện triển khai năm 2016, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hoàn thành năm 2016; số kinh phí còn lại phân bổ và giao dự toán trước ngày 30 tháng 6 năm 2016.

2. Giao chi tiết dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Điều 4. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 được giao, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm:

1. Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước:

a) Dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước; phần còn lại mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

b) Dự toán chi thường xuyên triệt để tiết kiệm; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh; bố trí kinh phí tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, kinh phí tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập ngành theo tinh thần triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

[...]
2