THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 52/2012/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 11 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU
HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng
8 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất,
giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính
sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất
nông nghiệp,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định chính sách giải quyết việc
làm, đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trên phạm vi cả
nước khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định
số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy định bổ
sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định
cư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 69/2009/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản
xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường
(sau đây gọi là người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp) có đủ các điều kiện
sau:
a) Có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất
nông nghiệp bị thu hồi;
b) Trong độ tuổi lao động;
c) Có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm
việc làm, vay vốn tạo việc làm.
2. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp
trong khu dân cư, đất vườn, ao không được công nhận là đất ở theo quy định tại Điều 21 và các trường hợp theo quy định tại Khoản
3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP không thuộc đối tượng
áp dụng của Quyết định này.
Điều 3. Thời hạn hỗ trợ
Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy
định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định này được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời
hạn 3 năm, kể từ khi có Quyết định thu hồi đất.
Điều 4. Hỗ trợ đào tạo nghề
1. Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu
cầu đào tạo, học nghề được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được hỗ trợ chi
phí như sau:
a) Học nghề ngắn hạn (trình độ sơ
cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định
tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt
là Quyết định số 1956/QĐ-TTg);
b) Học nghề trình độ trung cấp,
cao đẳng được Nhà nước trả học phí cho một khóa học. Mức học phí được Nhà nước
trả bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá mức
trần học phí đối với cơ sở đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng công lập theo quy định
của pháp luật.
Kinh phí hỗ trợ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng
được bố trí từ kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo,
chuyển đổi nghề và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương
án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.
2. Đối với người lao động thuộc hộ gia đình bị thu
hồi đất nông nghiệp đồng thời cũng thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại
Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ
về tín dụng đối với học sinh, sinh viên thì được vay vốn tín dụng áp dụng đối với
học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành.
Điều 5. Hỗ trợ tạo việc làm
trong nước
1. Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu
cầu tìm việc làm được hỗ trợ:
a) Tư vấn học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn
phí tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc
gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
Cơ sở sản xuất kinh doanh nhận nhiều lao động bị
thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc được hưởng các chính sách ưu đãi về đất
đai, tín dụng, thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hỗ trợ đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng
1. Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu
cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng
kiến thức cần thiết theo quy định của pháp luật về người Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng;
b) Hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu,
thị thực và lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo mức quy định
hiện hành của Nhà nước;
c) Hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian đi học
theo mức quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg;
d) Hỗ trợ tiền đi lại 01 lượt đi và về từ nơi cư
trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15 km theo giá vé
thông thường của phương tiện công cộng tại thời điểm thanh toán;
đ) Được vay vốn với lãi suất
ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết để đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Mức cho vay tối đa bằng tổng chi phí cần thiết mà
người lao động phải đóng góp theo quy định ghi trên hợp đồng đối với từng thị
trường lao động.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hiện hành với
người lao động không thuộc huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại
Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời hạn cho vay tối đa bằng thời gian đi lao động ở
nước ngoài theo hợp đồng.
2. Kinh phí hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở
nước ngoài theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều này
được bố trí từ Quỹ phát triển đất của địa phương theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP.
3. Người lao động thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết
số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ
giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, khi đi làm việc ở nước
ngoài được hưởng các chính sách theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg
ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện
nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 -
2020.
4. Người lao động được hỗ trợ một lần cho từng nội
dung hỗ trợ theo quy định tại Điều này.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này;
b) Tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình
hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp;
c) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giám
sát quy trình xác định đối tượng và hướng dẫn người lao động vay vốn.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
Bộ, ngành liên quan:
a) Bổ sung ngân sách cho Quỹ quốc gia về việc làm;
b) Cân đối bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính
sách xã hội để cho vay tạo việc làm theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Quyết
định này và cho vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định tại Điểm
đ Khoản 1 Điều 6 Quyết định này.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn cơ chế tài chính
thực hiện Quyết định này.
4. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm:
a) Xây dựng quy trình, hướng dẫn người lao động vay
vốn;
b) Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách
xã hội ở địa phương thực hiện cho vay vốn đối với người lao động bị thu hồi đất
nông nghiệp.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo
nghề, tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp;
b) Hướng dẫn và bố trí kinh phí thực hiện Điểm b
Khoản 1 Điều 4 và Khoản 2 Điều 6 Quyết định này;
c) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực
hiện và báo cáo hàng năm tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động
bị thu hồi đất nông nghiệp theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 01 năm 2013.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã
hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Trợ lý TTCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|