Loading


Quyết định 813/2006/QĐ-TTg phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 813/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/06/2006
Ngày có hiệu lực 07/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

******


Số: 813/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP ĐỂ CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG VÙNG TÂY NGUYÊN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;  
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;  
Căn cứ  Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm  2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 3224/BKH-TĐ&GSĐT ngày 09 tháng 5 năm 2006), ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và cho phép đầu tư Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên gọi: Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên.

2. Mục tiêu của Dự án:

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đói, thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các hộ nghèo so với các hộ gia đình trung bình ở những địa bàn phải sống dựa vào rừng của 6 tỉnh vùng Dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cộng đồng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng trong vùng dự án, đặc biệt năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất lâm nghiệp cho cộng đồng và hộ gia đình.

+ Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng, các chủ thể nhà nước và tư nhân.   

+ Phát triển trồng rừng sản xuất có năng suất cao, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng và các hoạt động lâm sinh khác nhằm tăng khả năng cung cấp gỗ, lâm sản, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Giải quyết nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội vùng Dự án như đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, công trình thuỷ lợi nhỏ và nhà văn hoá cộng đồng.

- Góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng ở 60 xã lựa chọn của 6 tỉnh vùng dự án.

3. Phạm vi Dự án:

Dự án sẽ thực hiện tại 60 xã (danh sách tại phụ lục kèm theo Quyết định này), thuộc 22 huyện của 6 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên.

4. Các Hợp phần của Dự án:

- Hợp phần 1. Phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững, bao gồm:

+ Lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp: rà soát quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (của 6 tỉnh), cấp huyện (của 22 huyện). Xây dựng quy hoạch sử dụng đất mới (theo phương pháp của Dự án) cho 60 xã có Dự án đầu tư. Xác định 60.000 ha đất lâm nghiệp phù hợp cho trồng rừng thương mại; xác định, khoanh vẽ ranh giới trên bản đồ và xây dựng kế hoạch quản lý rừng cho 4,119 triệu ha đất lâm nghiệp trên địa bàn của 6 tỉnh.

+ Bảo tồn và Phát triển tài nguyên rừng trong vùng Dự án: nâng cao độ che phủ của rừng và thiết lập hệ thống quản lý rừng bền vững ở các khu vực nhà nước, cộng đồng và tư nhân. Tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư và các tổ chức (Doanh nghiệp, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ) trong vùng Dự án từ các hoạt động trồng rừng, tái tạo rừng và quản lý bảo vệ rừng; dự kiến sẽ trồng mới 44.558 ha rừng (35.008 ha rừng sản xuất, 6.850 ha rừng phòng hộ và làm giàu 2.700 ha rừng phòng hộ) và bảo vệ 99.000 ha rừng.

+ Phát triển kinh doanh phục vụ quản lý rừng bền vững: khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển các ngành sản xuất có liên quan đến lâm nghiệp; hỗ trợ một số lâm trường trong vùng tiến hành sắp xếp lại theo chính sách đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ; hỗ trợ thử nghiệm cơ chế phát triển sạch, du lịch sinh thái, nâng cao giá trị các sản phẩm lâm nghiệp, hỗ trợ quản lý 3 khu bảo tồn (Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, Krong Trai tỉnh Phú Yên, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng).

- Hợp phần 2. Cải thiện sinh kế, đầu tư cho 60 xã, thuộc 6 tỉnh vùng Dự án, gồm:

+ Hỗ trợ cộng đồng: hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện đời sống xây dựng và bảo dưỡng các công trình phúc lợi trong xã.

+ Hỗ trợ hạ tầng nông thôn: hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn với quy mô nhỏ như: hệ thống thuỷ lợi nhỏ, hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch, trường học, trạm xá, nhà khuyến nông xã.

- Hợp phần 3. Xây dựng năng lực: xây dựng và phát triển năng lực về kỹ thuật, quản lý và theo dõi, đánh giá trong ngành lâm nghiệp ở cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã nhằm đạt được mục tiêu quản lý rừng bền vững trong vùng Dự án. Hỗ trợ cơ sở vật chất cho Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên nhằm tăng cường chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cho Dự án.

- Hợp phần 4. Quản lý Dự án: tăng cường năng lực và thể chế cần thiết cho việc lập kế hoạch, điều phối và quản lý thực hiện Dự án ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã; đặc biệt, hợp phần này có liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phát triển một số kỹ năng chuyên môn, lập kế hoạch và quản lý để có thể lập được kế hoạch về ngân sách và hoạt động hàng năm có hiệu quả; phân tích và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

5. Tổng mức đầu tư:

Tổng mức đầu tư của Dự án là 83,98 triệu USD, bao gồm:

[...]
2