ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 997/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
17 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ VÀ DỰ TOÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN SƠN TỊNH, TỈNH
QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;
Căn cứ Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015
của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019
của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP
ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch
đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;
Căn cứ Thông tư số 05/2017/TT-BXD ngày 05/4/2017
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng
và quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 14/8/2013
của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ngãi đến năm
2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 02/8/2019
của UBND tỉnh về việc phân khai kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch năm
2019; Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 05/9/2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh
tên dự án quy hoạch tại Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh.
Xét đề nghị của UBND huyện Sơn Tịnh tại Tờ trình
số 2502/TTr-UBND ngày 20/11/2019 và đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo
cáo thẩm định số 3733/BC-SXD ngày 06/12/2019,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ
và dự toán Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, với những nội
dung chủ yếu sau đây:
1. Tên đồ án: Quy hoạch
xây dựng vùng huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Phạm vi, ranh giới lập quy
hoạch
Phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện
Sơn Tịnh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Sơn Tịnh, với quy mô diện
tích khoảng 244,13 km2, gồm 11 xã: Tịnh Hà, Tịnh Phong, Tịnh Thọ, Tịnh
Sơn, Tịnh Trà, Tịnh Bình, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Minh, Tịnh Đông và Tịnh
Giang, ranh giới được xác định như sau:
+ Phía Đông: Giáp thành phố Quảng Ngãi
+ Phía Tây: Giáp huyện Trà Bồng và huyện Sơn Hà
+ Phía Nam: Giáp huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng
Ngãi;
+ Phía Bắc: Giáp huyện Bình Sơn.
3. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch
- Cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng
Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết
định số 190/QĐ-UBND ngày 14/8/2013.
- Quy hoạch xây dựng vùng huyện phải đáp ứng các
yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc
phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
- Định hướng phát triển mạng lưới các đô thị, cụm
công nghiệp, khu du lịch - dịch vụ, khu dân cư phù hợp với sự phân bổ các vùng
kinh tế phù hợp với khả năng phát triển; đảm bảo kết nối hệ thống hạ tầng kỹ
thuật đồng bộ, đồng thời gắn liền với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa.
- Tập trung đầu tư phát triển các đô thị, cụm công
nghiệp, khu du lịch - dịch vụ nhằm tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình phát
triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn trong toàn huyện.
- Làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch
quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển trên
địa bàn toàn huyện, tập trung chủ yếu vào các vấn đề:
+ Làm công cụ điều phối, kiểm soát quá trình phát
triển đô thị và nông thôn trên địa bàn toàn huyện.
+ Làm cơ sở cho công tác lập, phê duyệt quy hoạch
đô thị và nông thôn, xây dựng kế hoạch, triển khai đầu tư xây dựng trong khu vực
đô thị, nông thôn và các khu chức năng khác theo quy hoạch.
- Góp phần đưa huyện Sơn Tịnh đạt chuẩn huyện nông
thôn mới.
4. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật
dự báo
a) Dân số:
- Đến năm 2025: Dân số khoảng 96.567 người, trong
đó dân số đô thị khoảng 9.000 người; dân số nông thôn khoảng 87.567 người. Tỷ lệ
đô thị hóa đạt khoảng 9,32%;
- Đến năm 2030: Dân số khoảng 98.024 người, trong
đó dân số đô thị khoảng 17.500 người; dân số nông thôn khoảng 80.524 người. Tỷ
lệ đô thị hóa đạt khoảng 17,85%.
b) Đất đai:
- Đến năm 2025: Tổng diện tích đất xây dựng đô thị
khoảng 107,36 ha, bình quân khoảng 119 m2/người. Đất xây dựng các điểm
dân cư nông thôn khoảng 2.197,2 ha, bình quân khoảng 251 m2/người;
- Đến năm 2030: Tổng diện tích đất xây dựng đô thị
khoảng 303,05 ha, bình quân khoảng 173 m2/người. Đất xây dựng các điểm
dân cư nông thôn khoảng 2.807,5 ha, bình quân khoảng 349 m2/người.
5. Các nội dung chủ yếu cần
nghiên cứu
a) Đánh giá tổng quan hiện trạng về điều kiện tự
nhiên, kinh tế, xã hội:
- Xác định vị trí và giới hạn vùng quy hoạch;
- Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên; đánh
giá hiện trạng kinh tế - xã hội;
- Đánh giá tình hình phát triển các đô thị trong
vùng (tính chất, chức năng, quy mô, tỷ lệ đô thị hóa, thực trạng quản lý đô thị...),
các điểm dân cư nông thôn;
- Đánh giá hiện trạng sử dụng đất đai và hiện trạng
hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và những yếu tố mang tính
đặc trưng của vùng;
- Đánh giá tổng hợp thực trạng nguồn lực và ưu thế
phát triển.
b) Đánh giá rà soát việc thực hiện các quy hoạch
đang có hiệu lực.
c) Xác định các động lực, tiền đề phát triển vùng:
- Những mục tiêu và quan điểm phát triển vùng; tốc
độ đô thị hóa, tính chất, tiềm năng và động lực phát triển vùng.
- Xác định các định hướng phát triển vùng; mối quan
hệ, liên kết giữa vùng huyện Sơn Tịnh với Khu Kinh tế Dung Quất, thành phố Quảng
Ngãi và các huyện lân cận.
d) Đưa ra các dự báo phát triển vùng: về kinh tế,
xã hội, dân số, lao động, nhu cầu về đất đai và quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, cơ cấu lao động; về khả năng và tỷ lệ hóa đô thị; xác định các chỉ
tiêu kỹ thuật theo mục tiêu phát triển.
đ) Định hướng phát triển không gian vùng:
- Đề xuất, lựa chọn mô hình phát triển không gian
vùng;
- Xác định các phân vùng kiểm soát quản lý phát triển.
Đối với vùng dọc tuyến Quốc lộ, đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh, xác
định phân vùng theo đoạn tuyến và tổ chức kết nối vùng dọc tuyến;
- Phân bố và xác định quy mô các không gian phát
triển: Công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, bảo tồn;
xác định quy mô, tính chất các khu chức năng đặc thù;
- Xác định, tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn:
Mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống đô thị và khu vực nông thôn phù hợp với đặc
điểm kinh tế, văn hóa, xã hội; phân cấp, phân loại đô thị theo không gian lãnh thổ
và quản lý hành chính; xác định quy mô dân số, đất xây dựng đô thị;
- Phân bố và xác định quy mô các hệ thống công
trình hạ tầng xã hội gồm: trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục
thể thao có quy mô lớn, mang ý nghĩa vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ cấp
vùng; khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường
và các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị. Đối với khu vực chức năng đặc thù
phải xác định các trung tâm chuyên ngành theo chức năng đặc thù. Đối với vùng dọc
tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hành lang kinh tế liên tỉnh, phải xác định hệ thống
các trung tâm công cộng dọc tuyến;
- Phân bố và xác định quy mô các khu vực bảo tồn,
khu vực bảo vệ cảnh quan trong vùng.
e) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
e1) Chuẩn bị kỹ thuật:
- Phân tích, đánh giá về địa hình, địa chất, tình
hình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hướng đầu tư hệ thống
hạ tầng toàn vùng; cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng;
- Công tác chuẩn bị nền xây dựng, xác định cao độ nền
khống chế tại các đô thị, cụm công nghiệp;
- Xác định các lưu vực, hướng thoát nước chính; cập
nhật quy hoạch thủy lợi của vùng nghiên cứu;
- Đề xuất các giải pháp về phòng chống và xử lý các
tai biến địa chất, ngập lụt.
e2) Giao thông:
- Xác định các hành lang giao thông quan trọng phù
hợp với chiến lược phát triển giao thông vùng tính, quốc gia;
- Tổ chức mạng lưới và xác định quy mô các tuyến
giao thông, các công trình giao thông cấp vùng huyện về đường bộ, đường thủy;
- Tổ chức hệ thống giao thông đô thị và nông thôn.
e3) Cấp nước:
- Xác định trữ lượng các nguồn nước trong vùng; đề
xuất phương án lựa chọn nguồn nước và phân vùng cấp nước;
- Dự báo tổng hợp các nhu cầu dùng nước, xây dựng
các giải pháp cấp nước;
- Xác định quy mô các công trình đầu mối, dây chuyền
công nghệ xử lý nước, hệ thống truyền tải nước chính;
- Các giải pháp về bảo vệ nguồn nước và các công
trình đầu mối cấp nước.
e4) Cấp điện:
- Xác định nguồn điện, vị trí, quy mô các công
trình đầu mối như nhà máy điện, trạm biến áp nguồn.
- Dự báo nhu cầu sử dụng điện; đề xuất các giải
pháp cấp điện lưới truyền tải và phân phối điện.
e5) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa
trang:
- Dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn,
nhu cầu đất nghĩa trang.
- Đề xuất các giải pháp lớn về:
+ Lựa chọn hệ thống thoát nước thải các đô thị, các
khu chức năng lớn.
+ Tổ chức thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn.
+ Vị trí, quy mô khu xử lý nước thải, khu liên hợp
xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý.
+ Vị trí, quy mô các nghĩa trang.
e6) Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý
nghĩa tạo lực phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường;
sắp xếp danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư, dự báo nhu cầu
vốn và kiến nghị nguồn lực thực hiện.
e7) Đánh giá môi trường chiến lược
- Những vấn đề môi trường có phạm vi tác động lớn;
- Hiện trạng nguồn gây ô nhiễm lớn, các vùng bị suy
thoái môi trường, các vùng sinh thái cảnh quan. Xác định các nội dung bảo vệ
môi trường ở quy mô cấp vùng;
- Dự báo xu thế các vấn đề môi trường do tác động của
việc lập và thực hiện quy hoạch;
- Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các vấn đề
môi trường.
6. Sản phẩm quy hoạch
a) Sản phẩm tuân thủ theo đúng các quy định của Luật
Xây dựng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch,
Nghị định số 44/2015 ngày 06/5/2015 của Chính phủ, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP
ngày 30/8/2019 của Chính phủ, Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ
trưởng Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù.
b) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
b1) Phần bản vẽ:
- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng, thể hiện trên nền
bản đồ địa hình tỷ lệ thích hợp;
- Sơ đồ hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất,
thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000;
- Sơ đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng
kỹ thuật và môi trường, thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25000;
- Sơ đồ phân vùng và định hướng phát triển không
gian vùng, thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25000;
- Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ
thuật vùng, tỷ lệ 1/25000;
- Sơ đồ đánh giá môi trường chiến lược, thể hiện
trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25000.
b2) Phần văn bản:
- Thuyết minh tổng hợp, thuyết minh tóm tắt, các phụ
lục, bản vẽ thu nhỏ;
- Dự thảo quy định về quản lý quy hoạch xây dựng
vùng huyện Sơn Tịnh;
- Các văn bản pháp lý có liên quan;
- Dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt đồ án
quy hoạch.
7. Tiến độ thực hiện: Tối
đa 12 tháng, kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
8. Dự toán quy hoạch: 1.874.598.000
đồng (Bằng chữ: Một tỷ, tám trăm bảy mươi tư triệu, năm trăm chín mươi
tám ngàn đồng). Trong đó:
- Chi phí tư vấn lập quy hoạch: 1.610.413.000 đồng;
- Chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu: 13.907.000 đồng;
- Chi phí khác: 250.278.000 đồng.
9. Nguồn kinh phí: Ngân
sách tỉnh
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. UBND huyện Sơn Tịnh triển khai lập quy hoạch xây
dựng vùng huyện theo đúng quy định và nhiệm vụ được duyệt.
2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành chức
năng có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch
xây dựng vùng huyện Sơn Tịnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao
thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- TT Huyện ủy và HĐND huyện Sơn Tịnh;
- VPUB: PCVP, NNTN, TH, CB-TH;
- Lưu: VT, CNXD (Vũ 807).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Căng
|