Thông báo 249/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 249/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 17/07/2019 |
Ngày có hiệu lực | 17/07/2019 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 249/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2019 |
Ngày 08 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo) về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tổng hợp và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện
1. Thủ tướng, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì nhiều cuộc họp, trực tiếp làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chỉ đạo, cho ý kiến về việc xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của một số cơ quan, đơn vị cụ thể... Qua đó, các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai có kết quả các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
2. 6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589,335 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255,691 tỷ đồng gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển Ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 185.000/250.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.
3. Công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đạt được kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến hết 6/2019, các Bộ, cơ quan đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%), 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%), giúp tiết kiệm gần 18 triệu ngày công/năm, tương đương gần 6.300 tỷ đồng/năm.
Chuẩn bị công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, theo đó, lần đầu tiên bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển, “sức khỏe” của doanh nghiệp trên cả nước được tổng hợp, đánh giá cụ thể, thực chất, là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương đề xuất hành động, hướng đi cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
4. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần được rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời.
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương và triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khả năng cạnh tranh yếu, hoạt động chưa hiệu quả, phải giải thể, phá sản.
5. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ sự chưa chủ động, nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện; còn hiện tượng không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn ... nên cần nhiều thời gian triển khai thực hiện. Việc rà soát, xác lập hồ sơ pháp lý, cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất mất nhiều thời gian so với quy định. Môi trường kinh doanh còn rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân; pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, việc triển khai chính sách còn chậm; khả năng tiếp cận các nguồn lực để phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn; chi phí chính thức và không chính thức còn cao.
II. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2019
1. Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019.
b) Tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Tổng hợp, xử lý và trả lời các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị nêu tại Hội nghị này.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, hoàn chỉnh Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, Danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020 và rà soát, sửa đổi Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 7 năm 2019.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị “Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong liên kết và đổi mới sáng tạo” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
c) Chỉ đạo Tổng cục Thống kê rà soát, công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 theo đúng kế hoạch.
3. Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 25 tháng 01 năm 2019 và:
a) Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2019.
b) Dự thảo Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; dự thảo Nghị định về quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phương án sửa đổi bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; đề án tổng thể xử lý tài chính đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2019.
c) Tiếp tục rà soát, đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TTg, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2019.
d) Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong thẩm tra để Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
e) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đã IPO đủ điều kiện thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trước ngày 15 tháng 8 năm 2019.
g) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.