Loading


Thông báo 324/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II, phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 324/TB-VPCP
Ngày ban hành 24/07/2017
Ngày có hiệu lực 24/07/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG QUÝ II, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ QUÝ III NĂM 2017

Ngày 04 tháng 7 năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II, phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2017. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, các đồng chí là thành viên Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể Thể thao và Du lịch, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Tại đầu cầu truyền hình các địa phương có lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, đạt chỉ tiêu giảm trên 5% cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2016. Tình hình vận tải được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và nghỉ Lễ 30/4 và 1/5; Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, tập trung xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 16 địa phương giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông là: Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Hải Dương, Kon Tum, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; nhất là 03 địa phương giảm trên 40% số người chết là Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên.

2. Một số hạn chế, tồn tại trong 6 tháng đầu năm 2017.

- Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đáng chú ý là để xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 81 người chết, bị thương 110 người.

Vẫn còn 10 tỉnh có số người chết do TNGT tăng trên 15% là: Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu, trong đó, có 04 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là: An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.

- Xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng gây thiệt hại về tài sản và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

- Tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định trong khu vực nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương (tình trạng xe dù, bến cóc) diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.

- Tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).

- Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo dừng hoạt động nạo vét, tận thu sản phẩm, nhưng tình hình khai thác cát tại các mỏ vật liệu có phép và khai thác trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp tại tại một số địa phương (Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kon Tum...) gây mất TTATGT đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế xã hội địa phương.

- Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu; ùn tắc giao thông cục bộ do TNGT, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả (Thành phố Hà Nội thiệt hại trên 12.000 tỷ/ năm, gây lãng phí tài sản Nhà nước và nhân dân, ô nhiễm môi trường).

Nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế:

- Chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thủy nội địa.

- Hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mặc dù đã khá đầy đủ, nhưng vẫn còn những lỗ hổng, bất cập, hoặc đạt hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; trong khi triển khai còn thiếu linh hoạt, áp dụng cứng nhắc.

- Vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là tình trạng nút giao thông, điểm giao cắt đường bộ-đường sắt không đảm bảo an toàn; hệ thống vạch sơn, tín hiệu, ký hiệu, biển báo giao thông còn bất cập, thiếu gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; tình trạng vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trái phép diễn ra tràn lan.

- Hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức và kỹ năng điều khiển của một bộ phận người tham gia giao thông, đặc biệt là một số lái xe tải, xe khách, thuyền viên; một bộ phận chủ phương tiện buông lỏng công tác quản lý an toàn vận tải và không thực hiện quy định pháp luật về thời gian lao động của lái xe (tình trạng "ép tài"), làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, gây hậu quả xấu cho xã hội.

- Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là xe ô tô tải, xe ô tô con, mô tô, xe máy, xe điện hai bánh; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn, sự cố giao thông cũng như tại các đoạn có công trình xây dựng chiếm dụng lòng đường.

- Mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế.

- Kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho trật tự an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhằm mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 % - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương trong năm 2017, các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TƯ ngày 4 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ, Kế hoạch số 08/KH-UBATGTQG ngày 9 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban ATGT Quốc gia, Thông báo kết luận số 166/TB-VPCP ngày 29/3/2017 của Văn phòng Chính phủ và một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Ủy ban ATGT Quốc gia

- Xây dựng quy chế hoạt động của Ủy ban, quy chế báo cáo trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và quyết định chức năng nhiệm vụ Văn phòng Ủy ban theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2017 - 2021.

- Tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT giao thông quốc gia theo các chuyên đề và kiểm tra các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao.

- Tập hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiến nghị với các Bộ, Ngành và Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch sửa đổi, hoàn thiện.

- Phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông theo Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2017.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ