Thông báo 563/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về tỉnh hình triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và một số dự án giao thông trọng điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 563/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 19/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 563/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2024 |
Ngày 15 tháng 12 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau[1] (Dự án) và họp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tại Nhà điều hành thi công Dự án tại tỉnh Hậu Giang; tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu; Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và đại diện nhà thầu, đơn vị tư vấn của một số dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các địa phương, các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:
1. Việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Nam và cả nước. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của. tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có các dự án đi qua.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự vào cuộc tích cực, tinh thần làm việc với trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án; trân trọng cảm ơn và biểu dương những gia đình, người dân, cộng đồng đã tích cực hỗ trợ, nhanh chóng bàn giao 100% mặt bằng để thi công các dự án và hỗ trợ cán bộ, kỹ sư, người lao động trên công trường thi công cả về vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai dự án; đánh giá cao các cấp chính quyền địa phương đã thể hiện quyết tâm chính trị, thống nhất nhận thức và hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, qua đó góp phần cơ bản bảo đảm tiến độ các dự án, tiến tới hoàn thành khoảng 600 km đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2026 và 1.200 km đường bộ cao tốc vào năm 2030 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng để tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải khu vực Tây Nam Bộ.
Đạt được kết quả quan trọng nêu trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là của cấp ủy, chính quyền các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng; đặc biệt là sự đồng thuận của người dân đã nhường ruộng đất, nơi ở, nơi sinh kế của mình cho dự án đi qua; sự tập trung thi công của các doanh nghiệp, đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, ”ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc nào dứt điểm việc đó”, khó khăn thì cùng nhau đoàn kết vượt qua. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, nhà thầu, giữa nhà thầu tham gia dự án và các doanh nghiệp tại địa phương để học hỏi lẫn nhau, ngày càng trưởng thành hơn, tự tin hơn và cùng phát triển lớn mạnh.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Dự án vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập:
- Công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuy đã hoàn thành đối với tuyến chính nhưng so với tiến độ vẫn còn chậm, còn khoảng 200m bãi rác thuộc tuyến nối trên địa bàn thành phố Cần Thơ chưa xử lý xong.
- Việc ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp thi công mới để hỗ trợ hiệu quả công tác gia tải xử lý lún cho Dự án chưa được quan tâm chú trọng, mới chỉ chú trọng giải pháp xử lý lún tự nhiên.
- Công tác quản lý dự án, quản lý giá và cung ứng vật liệu san lấp và cấp phối đá dăm tại một số địa phương[2] còn có sự lúng túng, chậm chạp.
- Các địa phương chưa chủ động phát động “Phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập nêu trên là do một số địa phương chưa chủ động, nhất là người đứng đầu chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; các cơ quan tham mưu tổng hợp đề xuất chưa mạnh dạn, chưa nghiên cứu kỹ hướng dẫn của các bộ, ngành để có đầy đủ thông tin tham mưu cho lãnh đạo các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai dự án; sự vào cuộc chưa quyết liệt của một số địa phương, chưa chủ động thực hiện theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, nhất là trong công tác điều phối, thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án giao thông trọng điểm trong Vùng, trong đó có dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2025 và năm 2026 phải hoàn thành 600 km đường bộ cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trong đó cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025 để kết nối thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tiến tới tiếp tục đầu tư đoạn cao tốc Cần Thơ - Đất Mũi theo quy hoạch; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2026, phấn đấu hoàn thành sớm hơn; Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2...; hưởng ứng và thực hiện "Phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm hoàn thành 3.000 km đường hộ cao tốc" để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Việc hoàn thành sớm các công trình, dự án quan trọng này sẽ sớm tạo không gian phát triển mới, giá trị mới, tạo nguồn thu lớn về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Trong thời gian còn lại của năm 2024 và ngay từ đầu năm 2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Về giải phóng mặt bằng: Ủy ban nhân dân các địa phương hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các dự án theo kế hoạch; trong đó Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giải quyết dứt điểm việc di dời bãi rác trên tuyến nối IC2 Quốc lộ 1 (Dự án Cần Thơ - Cà Mau) trong tháng 12 năm 2024; bàn giao mặt bằng 100% cho Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.
a) Yêu cầu tất cả các địa phương có nguồn vật liệu cát, đá để cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, nhất là Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành cấp phép khai thác mỏ trong tháng 12 năm 2024.
b) Tỉnh An Giang hoàn thành thủ tục để khai thác trở lại mỏ đá Antraco trong tháng 12 năm 2024 để cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trong đó ưu tiên cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau); đồng thời khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh công suất nạo vét sông Vàm Nao để cung ứng cát san lấp đắp nền đường theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà[3], hoàn thành trong tháng 12 năm 2024.
c) Tỉnh Tiền Giang: (i) Hoàn thành toàn bộ thủ tục khai thác mỏ cát, bảo đảm hoạt động khai thác cát cho các dự án được thực hiện trong tháng 12 năm 2024 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; (ii) rà soát việc xác định giá vật liệu tại các mỏ thương mại trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân làm chậm thủ tục cấp mỏ và việc xác định giá vật liệu không đúng quy định; đồng thời tiếp tục có giải pháp quản lý chặt chẽ giá vật liệu san lấp cung ứng cho các dự án, phù hợp với mặt bằng giá tại các địa phương trong khu vực và theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi ích nhóm trong quản lý, khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng thông thường.
d) Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẩn trương rà soát, cân đối cung ứng đủ 1 triệu m3 cát còn thiếu theo chỉ tiêu được giao, hoàn thành trong tháng 12 năm 2024; trong đó, thực hiện thủ tục điều hoà từ các mỏ cát đang khai thác còn dư trữ lượng để bù khối lượng thiếu do ngừng khai thác một số mỏ bị sạt lở, chất lượng cát không đảm bảo... để cung ứng đủ cho Dự án theo chỉ tiêu đã được giao.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẩn trương có văn bản cho khai thác tăng công suất 3 mỏ: Vàm Trà Ôn, Vàm Trà Ôn 2, Vàm Trà Ôn 3 theo đúng Bản xác nhận và bổ sung nguồn 1,2 triệu m3 còn thiếu theo chỉ tiêu được giao, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong tháng 12 năm 2024.
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Kiên Giang khẩn trương rà soát nguồn vật liệu, ưu tiên hỗ trợ nguồn đá để cung ứng cho dự án (tương tự như tỉnh Bình Dương đã thực hiện), hoàn thành trong tháng 12 năm 2024.
g) Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Hướng dẫn cụ thể tỉnh An Giang, trong đó phải có quan điểm rõ ràng để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang hoàn thành thủ tục điều chỉnh công suất nạo vét sông Vàm Nao và khai thác trở lại mỏ đá Antraco trong tháng 12 năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 05 tháng 01 năm 2024; trường hợp có nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có báo cáo cụ thể, chỉ rõ cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và chủ động phối hợp chặt chẽ để giải quyết, xử lý ngay theo quy định.
- Khẩn trương hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Khoáng sản trong tháng 12 năm 2024.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường theo hướng đẩy mạnh phân cấp công tác quản lý và đánh giá tác động môi trường cho các địa phương.