Loading


Thông báo 6149/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị sản xuất cao su năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6149/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 04/08/2014
Ngày có hiệu lực 04/08/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ngô Hồng Giang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6149/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ SẢN XUẤT CAO SU NĂM 2014

Ngày 11 tháng 7 năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sản xuất cao su năm 2014 và bàn giải pháp phối hợp, tháo gỡ vướng mắc để phát triển cao su thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trồng cao su trong cả nước; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cao su; các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị đã nghe Báo cáo về sản xuất cao su của Cục Trồng trọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận như sau:

1. Trong những năm qua ngành cao su có sự phát triển nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, diện tích cao su đạt 955,7 nghìn ha, trong đó có 545,6 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 950 nghìn tấn, năng suất mủ 17,4 tạ/ha cao hơn 50% so với bình quân thế giới, giá trị xuất khẩu đạt 2,49 tỷ USD. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu cao su gặp khó khăn, giá xuống thấp, đang ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, doanh nghiệp, người lao động. Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước có khoảng 640 ha cao su kiến thiết cơ bản hoặc mới đưa vào khai thác được nông dân tự phát chuyển sang trồng cây khác (do trồng trên đất không phù hợp, cây sinh trưởng kém, một số diện tích trồng xen với cà phê, tiêu...) và khoảng 3.100 ha cao su già cỗi hoặc bị bão khó phục hồi được thanh lý để trồng tái canh.

Thị trường tiêu thụ gặp khó khăn là do trên thị trường thế giới cung đang vượt quá cầu, mặc dù tổng cầu của thế giới vẫn tăng. Tuy nhiên, sự chênh lệch cung - cầu không cao, xu hướng giảm dần, kinh tế thế giới đang phục hồi, bên cạnh việc duy trì thị trường Trung Quốc, chúng ta đang đa dạng hóa các thị trường mới và từng bước phát triển công nghiệp chế biến sâu trong nước. Vì vậy, cần tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp, nông dân nắm được thông tin, bình tĩnh trước khó khăn trước mắt, tính toán hiệu quả của cây cao su trong nhiều năm.

2. Chủ trương lâu dài của Bộ là kiên trì phát triển ngành cao su bền vững; thực hiện tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, không chạy theo diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ cao su và gỗ cao su.

Hiện nay diện tích cao su cả nước đã vượt quy hoạch khoảng 115 nghìn ha và trong bối cảnh khó khăn về thị trường tiêu thụ, Bộ yêu cầu các địa phương, đơn vị cần cân nhắc việc tăng diện tích trồng mới, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế trong cả chu kỳ của cây cao su, nếu đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật và có hiệu quả mới trồng; riêng vùng núi Đông Bắc, không tiếp tục trồng mới, tập trung chăm sóc, thu hoạch diện tích đã trồng, tính toán lại hiệu quả kinh tế.

3. Để từng bước thực hiện chủ trương trên, đồng thời giải quyết những khó khăn trước mắt, Bộ yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan, khẩn trương thực hiện tốt các nội dung sau đây:

a) Cục Trồng trọt

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành rà soát quy hoạch phát triển cao su cả nước trong năm 2014.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trồng cao su phối hợp với Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, hướng dẫn người sản xuất có biện pháp quản lý vườn cây phù hợp, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, chế độ cạo mủ cao su theo hướng giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất cụ thể cho từng vùng.

- Phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đề xuất dự án khuyến nông cao su tiểu điền để triển khai từ năm 2015.

- Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt giống cây cao su.

c) Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối

- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam cập nhật diễn biến thị trường giá cao su, thông qua các cơ quan báo chí thông tin kịp thời đến người sản xuất.

- Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị liên quan tiếp tục duy trì, phát triển thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới để xuất khẩu.

- Nghiên cứu đề xuất gói chính sách khuyến khích phát triển chế biến sâu cao su để nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh tiêu thụ mủ cao su trong nước.

c) Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tiến - hành rà soát quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn trong năm 2014.

- Ưu tiên kinh phí đào tạo kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật cạo mủ cho người sản xuất cao su; chỉ đạo cơ quan khuyến nông hướng dẫn người sản xuất duy trì vườn cây theo hướng giảm đầu tư khi giá mủ cao su chưa có lợi cho người sản xuất, nhất là địa bàn có diện tích cao su kiến thiết cơ bản, diện tích cao su mới bước vào kinh doanh chưa thu hồi đủ vốn.

- Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su trên địa bàn xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng cao su và cơ sở chế biến, xuất khẩu, để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất, tiêu thụ cao su đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

d) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

- Tập đoàn phải là nòng cốt để thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ cao su; liên kết chặt chẽ, hỗ trợ cao su tiểu điền áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch tiên tiến, các biện pháp tiết kiệm đầu tư để người sản xuất duy trì vườn cây không chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác.

- Chỉ đạo Viện Nghiên cứu Cao su thuộc Tập đoàn chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cao su để hoàn thiện Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su cho cả nước là cơ sở để các địa phương hướng dẫn và đào tạo cho người sản xuất cao su.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị và các địa phương biết triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (để b/c);
- Các Cục: TT, CBTMNLTS&NM, Vụ KH,
KHCN&MT;
- Trung tâm KNQG;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh có trồng cao su;
- Tập đoàn CNCS Việt Nam;
- Hiệp hội Cao su VN, Viện Nghiên cứu Cao su;
- Lưu: VT, TT.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Ngô Hồng Giang

[...]
1