Loading


Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 02/2022/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 04/03/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Hoàng Minh Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2022/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Danh mục thống kê ngành đào tạo là Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV đối với các trình độ của giáo dục đại học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Ngành đào tạo là tập hợp kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, được thống kê, phân loại trong Danh mục thống kê ngành đào tạo.

3. Nhóm ngành đào tạo là tập hợp một số ngành đào tạo có những đặc điểm chung về chuyên môn, trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, được thống kê, phân loại trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp III thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Lĩnh vực đào tạo là tập hợp các nhóm ngành đào tạo có những đặc điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ được thống kê, phân loại trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp II thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo; trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ. Riêng đối với ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên (trình độ đại học), ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ là ngành chuyên môn tương ứng với ngành đào tạo giáo viên, hoặc là ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn (của ngành chuyên môn tương ứng).

6. Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành dự kiến mở ở trình độ tiến sĩ là ngành dự kiến mở; trường hợp ngành dự kiến mở chưa được đào tạo trong nước hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp, ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành dự kiến mở.

7. Thành phần của một chương trình đào tạo là một nhóm học phần và các hoạt động học tập, nghiên cứu khác có đặc điểm chung về chuyên môn; có vai trò rõ nét trong thực hiện một nhóm mục tiêu và yêu cầu đầu ra của chương trình đào tạo. Các thành phần được sử dụng để thiết kế cấu trúc tổng thể của chương trình đào tạo (như giáo dục đại cương, khoa học cơ bản, cơ sở và cốt lõi ngành, thực tập và trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, và các thành phần khác).

8. Giảng viên toàn thời gian trong mở ngành đào tạo bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên đang làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo (sau đây gọi chung là giảng viên toàn thời gian), cụ thể như sau:

a) Giảng viên cơ hữu được xác định theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 ngày 12 tháng 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

b) Giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc của giảng viên đại học trong cả năm học tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, đồng thời không ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác.

9. Giảng viên thỉnh giảng trong mở ngành đào tạo là người không thuộc diện theo quy định tại khoản 8 Điều này nhưng có ký hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật, giảng dạy theo kế hoạch được phân công tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, được cơ sở đào tạo trả lương, thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo.

10. Giảng viên có chuyên môn phù hợp để giảng dạy chương trình đào tạo là giảng viên được đào tạo ở trình độ và ngành có kiến thức chuyên môn phù hợp để giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo của ngành dự kiến mở; đồng thời đã có kinh nghiệm giảng dạy đại học tối thiểu từ 02 năm trở lên đối với các học phần tương ứng trong chương trình đào tạo của ngành dự kiến mở hoặc đã có các công trình khoa học liên quan đến nội dung được dự kiến phân công giảng dạy được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Chương II

[...]
37