Loading


Thông tư 05/2008/TT-BTP hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 05/2008/TT-BTP
Ngày ban hành 23/09/2008
Ngày có hiệu lực 29/10/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 05/2008/TT-BTP

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ NGHIỆP VỤ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý như sau:

Phần A.

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

I. THỤ LÝ VỤ VIỆC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

1. Kiểm tra yêu cầu trợ giúp pháp lý

Người tiếp đối tượng hoặc nhận đơn phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là đơn) và chỉ thụ lý khi vụ việc có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người có yêu cầu trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là người có yêu cầu) thuộc diện người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý và được quy định chi tiết tại Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Nghị định số 07/2007/NĐ-CP);

b) Nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý;

c) Vụ việc trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý;

d) Yêu cầu trợ giúp pháp lý không thuộc trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý.

Người tiếp nhận khi thụ lý vụ việc phải ghi vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý và tiến hành trợ giúp pháp lý hoặc báo cáo lãnh đạo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoặc luật sư, tư vấn viên pháp luật). Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý được lập theo Mẫu số 01 - TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong trường hợp người có yêu cầu còn thiếu những giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận phải hướng dẫn họ cung cấp bổ sung các giấy tờ, tài liệu có liên quan để vụ việc được thụ lý. Sau khi đã nhận đủ các giấy tờ tài liệu bổ sung hoặc có cơ sở xác minh thì làm thủ tục thụ lý. Trong các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng mà chưa thể cung cấp đủ giấy tờ hoặc do vụ việc trợ giúp pháp lý đã sắp hết thời hiệu hoặc có các lý do khác đòi hỏi phải làm ngay để tránh gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận thụ lý và hướng dẫn người được trợ giúp bổ sung các giấy tờ cần thiết.

Người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm sao chụp 01 bản từ bản chính hoặc tiếp nhận bản sao giấy tờ chứng minh thuộc diện người được trợ giúp pháp lý để lưu giữ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý để kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết. Trong trường hợp vì lý do khách quan mà không thể sao chụp từ bản chính thì phải ghi lại ký hiệu, số, ngày, tháng năm cấp, cơ quan cấp giấy tờ đó vào phần dưới đơn và yêu cầu người có yêu cầu sao chụp gửi sau.

Trong trường hợp từ chối thụ lý, người tiếp nhận phải nêu rõ lý do bằng văn bản cho người có yêu cầu biết. Nếu vụ việc thuộc một trong các trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận đơn phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người có yêu cầu biết. Thông báo về việc từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý được lập theo Mẫu số 20-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát đơn miễn phí cho người có yêu cầu (Mẫu số 02-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc người có yêu cầu tự viết đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ. Trong trường hợp người có yêu cầu không đến được mà có người đại diện, người giám hộ đến thay thì người đại diện, người giám hộ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn, trừ trường hợp giữa người có yêu cầu với người đại diện, người giám hộ có mâu thuẫn về quyền, lợi ích hợp pháp.

a) Trong trường hợp người có yêu cầu chưa viết đơn thì người tiếp nhận phải hướng dẫn họ điền và ký vào đơn. Nếu họ không thể tự mình viết đơn được thì người tiếp nhận có trách nhiệm điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.

b) Trong trường hợp người có yêu cầu nhờ người thân thích (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên, anh chị em ruột đã thành niên) hoặc uỷ quyền cho người khác đến nộp đơn thì ngoài giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người đến thay phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân của mình hoặc giấy uỷ quyền có ký xác nhận của người có yêu cầu. Người nộp đơn thay ghi rõ họ, tên, số Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú và ký tên vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý.

c) Đơn được nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc địa điểm làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc nộp trực tiếp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bên ngoài trụ sở) hoặc được gửi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý qua thư tín hoặc bằng các hình thức khác.

3. Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc

Người có yêu cầu phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có). Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ nhận đơn và bản sao (không cần chứng thực) các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để lưu trữ trong hồ sơ vụ việc và không hoàn trả lại. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đề nghị người có yêu cầu cung cấp bản chính để đối chiếu. Người có yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Đối với vụ việc có yêu cầu cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Trong vụ án hình sự, ngoài các tài liệu, giấy tờ có thể làm chứng cứ của vụ án (nếu có) thì tuỳ theo từng giai đoạn tố tụng và tư cách tham gia tố tụng, người có yêu cầu phải xuất trình một trong các giấy tờ liên quan đến giai đoạn tố tụng như: Quyết định tạm giữ; Quyết định khởi tố bị can; Giấy triệu tập lấy lời khai; Kết luận điều tra; Cáo trạng; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Bản án, Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc các giấy tờ khác chứng minh vụ việc đang được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý mà qua đó cho thấy người có yêu cầu là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự đó.

b) Trong vụ, việc dân sự hoặc vụ án hành chính thì vụ việc của người có yêu cầu đã được Toà án có thẩm quyền thụ lý hoặc có căn cứ để Toà án thụ lý. Tuỳ từng giai đoạn tố tụng, ngoài các tài liệu, giấy tờ có thể làm căn cứ (nếu có) người có yêu cầu phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Biên lai thu tiền tạm ứng án phí; Giấy triệu tập đương sự; Bản án, Quyết định của Toà án hoặc giấy tờ khác chứng minh người có yêu cầu là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ, việc dân sự, người khởi kiện hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, lao động.   

c) Trong các vụ việc đại diện ngoài tố tụng thì người có yêu cầu có căn cứ, giấy tờ hoặc khi người tiếp nhận có cơ sở cho rằng họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình (bị ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất, tâm thần hoặc vì lý do khách quan khác...).

4. Giấy tờ chứng minh người có yêu cầu là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý

a) Người nghèo khi có yêu cầu xuất trình một trong các giấy tờ sau đây:

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ