Loading


Thông tư 07/2002/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 07/2002/TT-BTP
Ngày ban hành 16/12/2002
Ngày có hiệu lực 02/01/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2002/TT-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2002

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 07/2002/TT-BTP NGÀY 16 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em;
Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Phạm vi, đối tượng áp dụng

1.1- Theo quy định tại Điều 1 và Điều 79 của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định), việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con và việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau và giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài phải tuân theo Nghị định và Thông tư này.

Nghị định và Thông tư này cũng được áp dụng đối với việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau mà một bên hoặc cả hai bên không thường trú tại Việt Nam, nếu họ có yêu cầu, và việc nuôi con nuôi giữa người nước ngoài với nhau mà bên được nhận làm con nuôi là trẻ em không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

1.2- Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998, "Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài" là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.

Công dân Việt Nam đang tạm trú có thời hạn ở nước ngoài (nhằm mục đích công tác, học tập, lao động...) hoặc đã hết thời hạn tạm trú ở nước ngoài mà không được nước ngoài cho phép cư trú thì không thuộc diện "định cư" ở nước ngoài (sau đây gọi là công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài). Việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài với nhau hoặc với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định và Thông tư này.

2. Hợp pháp hoá lãnh sự, miễn hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng, miễn công chứng đối với giấy tờ của nước ngoài:

Theo quy định tại Điều 4, Điều 6 và Điều 67 của Nghị định, việc hợp pháp hoá lãnh sự, miễn hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng, miễn công chứng đối với giấy tờ của nước ngoài để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện như sau:

2.1 Về nguyên tắc, giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, công chứng, chứng thực ở nước ngoài để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Hợp pháp hoá lãnh sự là việc chứng thực chữ ký, con giấu trên các giấy tờ của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Việc chứng thực này do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam được uỷ nhiệm thực hiện chức năng Lãnh sự ở nước ngoài tiến hành. Thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự được thực hiện theo Thông tư số 01/1999/TT-BNG ngày 03 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định thể lệ hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu.

Việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự chỉ được thực hiện đối với:

- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của các nước đã ký kết với Việt Nam điều ước quốc tế, trong đó có quy định về việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của nhau (Danh mục các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam được đính kèm Thông tư này và được Bộ Tư pháp cập nhật khi có sự thay đổi);

- Giấy tờ do cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam cấp cho công dân nước đó để sử dụng tại Việt Nam, trên nguyên tắc có đi có lại (Danh mục các nước này được đính kèm Thông tư này và được Bộ Tư pháp cập nhật khi có sự thay đổi theo thông báo của Bộ Ngoại giao);

- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cămpuchia (sau đây gọi là các nước láng giềng) cấp cho công dân của họ thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với nước đó.

2.2- Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, phải được dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của các nước láng giềng cấp cho công dân của họ thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với nước đó thì chỉ cần dịch ra tiếng Việt và có cam kết bằng văn bản của người dịch về việc dịch đúng nội dung của thứ tiếng đó, không cần công chứng bản dịch.

Riêng bản dịch ra tiếng Việt các giấy tờ trong hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi của người nước ngoài thường trú tại nước mà nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam phải được công chứng tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước đó.

3- Thời hạn có giá trị của giấy tờ

Thời hạn có giá trị 6 tháng của giấy tờ quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 13 điểm d và c khoản 1 Điều 41điểm b khoản 1 Điều 69 của Nghị định được tính kể từ ngày cấp các giấy tờ đó đến ngày nộp hồ sơ tại Sở tư pháp (đối với việc kết hôn hoặc tại cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là cơ quan con nuôi quốc tế) (đối với việc xin nhận con nuôi).

4- Trách nhiệm của Sở tư pháp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Nghị định, Sở tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ (trừ hồ sơ xin nhận con nuôi do cơ quan con nuôi quốc tế tiếp nhận), thu lệ phí, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác theo quy định của Nghị định.

Đối với các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, Sở tư pháp kiểm tra, xem xét và cho ý kiến về từng trường hợp cụ thể để Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới quyết định.

5- Cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch.

Sau khi ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi mà đương sự yêu cầu cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định cho nhận cha, mẹ, con, Quyết định cho nhận con nuôi, Sở tư pháp căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho đương sự; bản sao do giám đốc Sở tư pháp hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký và đóng dấu của Sở tư pháp.

6- Trách nhiệm báo cáo, thống kê

Sở tư pháp có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh việc gửi báo cáo, số liệu thống kê định kỳ 6 tháng và hàng năm cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình giải quyết việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định).

Số liệu thống kê kèm theo báo cáo 6 tháng được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6; số liệu thống kê kèm theo báo cáo hàng năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó. Báo cáo 6 tháng phải được gửi trước ngày 31 tháng 7 và báo cáo hàng năm phải được gửi trước ngày 31 tháng 1 của năm sau.

7- Thanh tra, kiểm tra

Bộ Tư pháp chủ động hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành Nghị định theo chức năng chuyên ngành, nhằm kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm trong việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ