Loading


Thông tư 101/2006/TT-BTC hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 101/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 31/10/2006
Ngày có hiệu lực 01/12/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
*****

Số:  101/2006/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 31 tháng 10  năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại đối với đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

a) Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này áp dụng đối với vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (dưới đây viết tắt là Nghị định số 84/2006/NĐ-CP). 

b) Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

a) Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khi thi hành công vụ gây lãng phí phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng trong cơ quan, tổ chức nhà nước vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khi thực hiện công việc, nhiệm vụ theo hợp đồng gây lãng phí phải bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật theo quy định tại Hợp đồng lao động.

b) Đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số      84/2006/NĐ-CP.

c) Vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

d) Hành vi vi phạm đã bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác.

3. Tiền phạt thu được do xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn.

II - XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt

a) Vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện. 

b) Trường hợp một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt.

c) Hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Áp dụng hình thức xử phạt

a) Người ra quyết định xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt phù hợp.

Chỉ được áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với một hành vi vi phạm.

b) Việc áp dụng mức phạt tiền, kể cả khi vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, đều không được thấp hơn hoặc vượt quá khung phạt tiền đã quy định. Mức tiền phạt cụ thể do người có thẩm quyền xử phạt quyết định trong từng trường hợp căn cứ vào khung tiền phạt được quy định tại Nghị định số    84/2006/NĐ-CP.

3. Thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP. Trường hợp hành vi vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đó.

b) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm  hành chính.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ