Loading


Thông tư 113/2004/TT-BTC hướng dẫn công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 113/2004/TT-BTC
Ngày ban hành 25/11/2004
Ngày có hiệu lực 15/01/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 113/2004/TT-BTC NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC KHOÁ SỔ KẾ TOÁN CUỐI NĂM VÀ LẬP, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2004

Công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính, Quyết định số 130/2003/QĐ-BTC ngày 18/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước, Thông tư số 10/2004/TT-BTC ngày 19/2/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp.

Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm về công tác khoá sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004 như sau:

I. CÔNG TÁC KHOÁ SỔ KẾ TOÁN CUỐI NĂM 2004:

1. Thời hạn cuối cùng chi ngân sách đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2004 được quy định tại điểm 4.2.1 Mục V Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính. Riêng đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc dự toán ngân sách năm 2004 được phép kéo dài thời gian chi đến hết ngày 31/01/2005 để thanh toán cho khối lượng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đã thực hiện đến hết ngày 31/12/2004, được nghiệm thu theo chế độ quy định và quyết toán vào niên độ ngân sách 2004; trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm 4.3, Mục I Thông tư này.

2. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn công trái giáo dục để kiên cố hoá trường, lớp học; nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi còn lại của năm 2004 và vốn đầu tư từ nguồn đặc biệt theo Quyết định số 216/QĐ-TTg ngày 25/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ chưa chi hết, được chuyển sang năm 2005 để tiếp tục thực hiện theo mục tiêu quy định.

3. Tồn quỹ tiền mặt tại đơn vị và số dư tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đến cuối ngày 31/12/2004, được xử lý như sau:

3.1. Tồn quỹ tiền mặt phải nộp trả ngân sách nhà nước, trừ các khoản phải chi theo chế độ nhưng chưa chi (tiền lương, phụ cấp lương, các khoản trợ cấp cho các đối tượng theo chế độ, học bổng học sinh, sinh viên) và các trường hợp quy định tại điểm 3.3, Mục I Thông tư này. Khi nộp, đơn vị kê rõ số tiền nộp giảm chi theo mục lục chi ngân sách nhà nước làm căn cứ để Kho bạc nhà nước hạch toán giảm chi ngân sách năm 2004 theo các mục tương ứng.

3.2. Số dư tài khoản tiền gửi được xử lý theo quy định tại điểm 4.1.7 Mục V Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính, trừ các trường hợp quy định tại điểm 3.3, Mục I Thông tư này. Riêng về thẩm quyền xét, chuyển số dư tài khoản tiền gửi đối với các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc ngân sách trung ương, Bộ Tài chính giao cho Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch xét, chuyển và thông báo cho đơn vị bằng văn bản.

Thời hạn xét, chuyển số dư tài khoản tiền gửi cho các đơn vị thực hiện từ ngày 02/01/2005 đến hết ngày 10/01/2005. Quá thời hạn trên, nếu không có văn bản đồng ý của cơ quan tài chính (đối với số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị dự toán thuộc ngân sách địa phương), của Kho bạc nhà nước (đối với số dư tài khoản tiền gửi của các đơn vị dự toán thuộc ngân sách trung ương); Kho bạc nhà nước có trách nhiệm chuyển số dư tài khoản tiền gửi nộp ngân sách nhà nước để hạch toán giảm chi ngân sách năm 2004; trường hợp số dư tài khoản tiền gửi là nguồn thu của ngân sách nhà nước, hạch toán thu ngân sách nhà nước năm 2005.

Số dư tài khoản chuyên thu để quản lý số kinh phí thu hồi phát sinh từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ (nếu còn), Kho bạc nhà nước chuyển vào thu ngân sách nhà nước năm 2005.

3.3. Tồn quỹ tiền mặt, số dư tài khoản tiền gửi kinh phí của các đơn vị được chuyển sang ngân sách năm 2005 để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chế độ quy định, gồm:

a. Các nội dung khoán chi của các cơ quan hành chính thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị được Thủ tướng Chính phủ quyết định khoán kinh phí hoạt động;

b. Chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp có thu được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ;

c. Các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005;

d. Các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

e. Kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm công trình văn hoá nghệ thuật, báo chí;

g. Các đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Kho bạc nhà nước làm thủ tục chuyển số dư tài khoản tiền gửi sang năm 2005 và tổng hợp theo đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính đồng cấp trong thời hạn 20 ngày sau khi hết thời gian chỉnh lý quyết toán của từng cấp ngân sách để theo dõi, quản lý theo chế độ quy định.

4. Về xử lý số dư dự toán:

4.1. Các nhiệm vụ chi ngân sách được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2004 chỉ được chi trong năm ngân sách 2004. Sau thời hạn chi ngân sách quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư này, dự toán giao cho đơn vị chưa chi hết (gọi là số dư dự toán) không được chi tiếp; trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định tại điểm 4.1.3 Mục V Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính. Khi thực hiện cần chú ý:

a. Việc xét, chuyển số dư dự toán sang năm sau chỉ thực hiện đối với các khoản chi vì lý do khách quan chưa chi được trong năm ngân sách 2004 và cần tiếp tục chi trong năm 2005.

Các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc trường hợp này (trừ các trường hợp quy định tại điểm 4.2 Mục I Thông tư này) phải có văn bản (kèm theo tài liệu liên quan và xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi giao dịch về số dư dự toán theo Biểu số 01/ĐVDT ban hành kèm theo Thông tư này) gửi đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị dự toán ngân sách cấp I tổng hợp gửi cơ quan tài chính đồng cấp (kèm theo tài liệu liên quan, bảng tổng hợp số dư dự toán của từng đơn vị sử dụng ngân sách và bản đối chiếu, xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch).

b. Thời hạn xem xét, giải quyết các nội dung được chi tiếp đối với ngân sách địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định, nhưng phải đảm bảo thời hạn lập báo cáo quyết toán của mỗi cấp ngân sách theo quy định. Thời hạn xem xét, giải quyết các nội dung được chi tiếp sang năm 2005 đối với ngân sách trung ương thực hiện xong trước ngày 01/3/2005 .

4.2. Số dư dự toán chi thường xuyên năm 2004 đối với các trường hợp sau đây, Kho bạc nhà nước chuyển sang năm 2005 để đơn vị có nguồn thực hiện tiếp nhiệm vụ theo chế độ qui định, gồm:

a. Số dư dự toán của các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005;

b. Số dư dự toán kinh phí hoạt động của các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam;

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ